(TT&VH Online) - Biển Phú Yên trong xanh và đẹp không kém bất cứ vùng biển nào khác trên đất nước Việt Nam, thậm chí còn đặc biệt hơn vì nơi đây tồn tại một kiệt tác thiên nhiên mà trên toàn thế giới chỉ xuất hiện ở Ireland, Hàn Quốc và Việt Nam. Đó là gành đá đĩa.
Điều đặc biệt thứ hai ở Phú Yên nằm trong nhà thờ Mằng Lăng. Nơi đây lưu giữ cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta, quyển giáo lý "Phép giảng tám ngày" của Alexandre de Rhodes (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) - người khai sinh ra chữ quốc ngữ. Quyển sách được in năm 1651 tại Roma, Ý.
Hai điều đặc biệt đó, cùng với hải sản tươi ngon giữa cảnh sắc tươi đẹp và sự hiền hòa, đôn hậu của người dân nơi đây đã là quá đủ cho một chuyến du lịch đến Phú Yên.
Nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ nhất ở Việt Nam, được xây dựng vào năm 1892. Nhà thờ nằm cách TP Tuy Hòa 35km về phía Bắc.
Trời - biển xanh thẫm và yên bình trong ánh nắng mai. Biển Phú Yên cũng rất trong và sạch.
Gành đá đĩa - tuyệt tác của thiên nhiên. Trông xa xa như một tổ ong khổng lồ đen thẫm
Những khối đá hình lục giác, ngũ giác nằm cạnh nhau, bề mặt trụ đá bằng phẳng. Cơ sở hình thành của dạng địa hình này là những khối đá bazan được tạo ra trong quá trình phun trào của núi lửa cách đây khoảng 60 triệu năm.
Khi núi lửa phun, nham thạch trào ra từ miệng núi lửa bị đông cứng lại khi gặp nước lạnh, sau đó toàn bộ khối nham thạch này bị rạn nứt.
Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, nhưng cũng có một số cột đá bị những đường xiết cắt ngang, tạo ra những hình tròn, hình đa giác xếp chồng khít vào nhau như những chồng đĩa.
Tuy là kiệt tác thiên nhiên nhưng có lúc, một số người dân vẫn đến đẽo đá đem về nhà lát... đường đi!
Xương rồng vẫn có thể sống tốt và nở rất nhiều hoa trên gành đá đĩa.
Dọc theo bờ biển, cây được được trồng hàng loạt để chống xói mòn. Phía dưới, trong làn nước mát là một lối đi trải sỏi đẹp long lanh