(Thethaovanhoa.vn) – Những ngày đầu Xuân, đến với đồng bào Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam, hình ảnh những ngôi nhà Gươl thấp thoáng ẩn hiện dưới ánh mặt trời sương mờ buổi sáng thực sự quyến rũ du khách. May mắn hơn khi chúng tôi được trải nghiệm cảnh đồng bào Cơ Tu dựng nhà Gươl đón năm mới, cùng dự một buổi sinh hoạt cộng đồng đáng nhớ.
Hôm nay là ngày quan trọng với người dân thôn Palan, xã La ÊÊ, huyện Nam Giang, Quảng Nam. Cả làng tập trung dựng nhà Gươil để kịp đón năm mới.
Nô nức dựng nhà Gươl kịp đón năm mới
Ngay từ sáng sớm, cả làng đã gọi nhau dậy đổ ra vị trí khu đất đã được lựa chọn làm nơi dựng Gươl. Khu đất nằm ở giữa làng, trên mô đất cao, cạnh cây gạo cổ thụ, được xem là nơi có vị trí địa lý thuận lợi và đắc địa.
Để có một nhà Gươl hoàn thiện, dân làng Cơ Tu phải cùng nhau bàn bạc quy trình rất kỹ, phân chia công việc cho mỗi gia đình, người dân trong làng.
Nhiều gia đình sẽ được lập thành một tổ, nhóm để đi tìm các vật liệu như cột cái, gỗ, lá mây, các nghệ nhân sẽ phụ trách phần điêu khắc và làm khung Gươl. Để dựng nên một nhà Gươl hoàn chỉnh từ công đoạn làm nền đến đưa vào sinh hoạt có thể kéo dài đến vài tháng.
Một không khí vô cùng sôi động như lễ hội đúng nghĩa. Tất cả người dân trong làng, từ trẻ đến già đều nhiệt tình tham gia. Hôm nay còn có cả các anh bộ đội, công an cùng đến giúp đồng bào dựng nhà, như tô điểm thêm tình quân dân đáng quý nơi biên ải này.
Ông Zơrâm Pưl, Trưởng thôn Palan chia sẻ: “Hiện tất cả dân làng đều đang tập trung về đây để dựng Gươl, đây là công trình có ý nghĩa nhất với toàn thể dân làng nên cần sự chung tay của rất nhiều người. Trước đây, làng chúng tôi cũng đã có nhà Gươl nhưng đã hư hỏng từ lâu, năm nay phải quyết tâm dựng lại. Nhờ Đoàn 207 giúp đỡ làm nền, mặt bằng, làm hàng rào mà dân làng chỉ cần lo làm vật liệu và dựng lên nữa thôi. Phải làm xong trước tết để năm mới dân làng có nhà văn hóa mới, người dân tập trung về đây vui vẻ đón tết”.
Để biểu tượng văn hóa của người Cơ Tu tỏa sáng
Trong khi đó, ở huyện miền núi Tây Giang, hầu hết các làng đều đã có nhà Gươl đặt ở giữa làng như một quy luật tự nhiên. Trên mỗi nhà Gươl đều gắn lá cờ Tổ quốc Việt Nam.
Nhà Gươl của người Cơ Tu ở Thôn Anooh, Xã A Nông, H.Tây Giang, Quảng Nam.
Nhà Gươl, theo tiếng Cơ tu có nghĩa là công cộng - cộng đồng. Cách gọi này cũng nói lên chức năng của nhà Gươl là hành chính, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và chức năng bảo tồn văn hóa.
Người Cơ tu quan niệm rằng, làng không có nhà Gươl cũng đồng nghĩa với việc không còn gốc truyền thống văn hoá Cơ Tu. Gươl cũng được xem là chốn linh thiêng, là nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên, vì thế Gươl được dựng ở khu vực gần như là trung tâm của làng còn người dân sinh sống quanh Gươl.
Những dịp cận kề năm mới, các thôn trong cộng đồng Cơ Tu đều chú trọng việc dựng nhà Gươl. Thôn nào nhà Gươl xuống cấp thì cả làng tu bổ lại, bởi đấy là chốn linh thiêng, luôn phải được chăm sóc kỹ lưỡng.
Không chỉ làm nhà Gươl cho làng, dân làng Cơ Tu ở Tây Giang còn cùng nhau dựng nên Làng Văn hoá - Truyền thống Cơ Tu nằm trên ngọn núi xã Atiêng. Tại đây, Làng Văn hóa - Truyền thống đã được hình thành nên bởi 12 ngôi nhà truyền thống trong đó có 1 nhà Gươl, 1 nhà dài và 10 nhà sàn đại diện cho 10 xã của Tây Giang.
Bố cục bên trong nhà Gươl.
Chính quyền địa phương cũng đã biết cách nâng tầm giá trị và quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc biệt của Gươl bằng cách tổ chức những tour tham quan du lịch, khám phá và nghỉ ngơi tại Gươl.
Gìa làng Clâu Nhấp (Thôn Anooh, Xã A Nông, H. Tây Giang) chia sẻ: “Sự tồn tại của Gươl với người Cơ Tu như một quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, có một giai đoạn từ 1963 đến khoảng 1975 Gươl của người Cơ Tu ở Tây Giang bị mất đi, vì nhiều nguyên nhân trong đó có chiến tranh. Cũng vì vậy, sau hòa bình mỗi thôn, mỗi xã đều phải sưu tầm và phục dựng lại nhà Gươl để làm nhà sinh hoạt cho cả làng và giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc. Đến nay có thể nói rằng hầu hết người Cơ Tu ở Tây Giang đều đã có nhà Gươl chung cho mỗi thôn, mỗi xã và đã có nhà Gươl chung của huyện”.
* * *
Chúng tôi đến tham dự một buổi sinh hoạt văn hóa của đồng bào Cơ Tu ở thôn Anooh, xã A Nông, huyện Tây Giang mới thấy rõ tình yêu và sự gắn kết của người dân nơi đây với nhà Gươl. Nghe tiếng chiêng vang lên, những gia đình sống quanh Gươl lại gọi nhau tụ họp vào Gươl, người nhóm lửa, người lấy nước, người thổi sáo điệu lý dân tộc. Gặp gỡ những con người chân thật, sống trong sự đùm bọc, đoàn kết yêu thương của dân làng mới cảm nhận được những con người Cơ Tu mới thật đáng quý.
Chức năng của nhà Gươl là hành chính, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và chức năng bảo tồn văn hóa.
Ông Pa Lăng Bưng - Phó Phòng Văn hóa huyện Tây Giang – Quảng Nam cho biết: “Người Cơ Tu quan niệm rằng, nhà Gươl là biểu trưng cho văn hóa của dân làng, đồng bào Cơ Tu, mọi người khi bước chân vào Gươl không được lớn tiếng, cãi vã nhau thay vào đó là luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Người phụ nữ trong những ngày kiêng cử hay có con nhỏ cũng không nên vào Gươl, không nên ngồi ở giữa Gươl – nơi treo hay khắc hình những con vật, thú giữ - chính những quan niệm đó đã tạo nên sự linh thiêng và quan trọng cho chính nhà Gươl”.
Mô hình nhà Gươl được dựng trong nhà Gươl truyền thống của H.Tây Giang.
Trải qua nhiều thăng trầm và sự bào mòn của thời gian, dù nhiều nhà Gươl xưa đã xuống cấp và mất dần đi, thế nhưng, khi đến với Tây Giang, thấy sự đủ đầy trong đời sống tinh thần của mỗi làng dịp tết đến xuân về, làng nào cũng có Gươl riêng để sinh hoạt, mới thấy những nỗ lực giữ gìn truyền thống của người Cơ Tu phần nào đã có kết quả tốt đẹp.
Ngắm Tây Giang trên đỉnh đèo.
Rời Tây Giang vào một buổi sáng sớm sương mờ dày đặc, dù trước mắt không thể hiện rõ hình hài của những ngôi nhà mái tranh cột cái, thế nhưng, trong tâm trí của những người đã từng đặt chân đến với mảnh đất thiêng của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, có lẽ hình ảnh những ngôi nhà Gươl và những con người chân chất sẽ không bao giờ phai nhạt.
Hoàng Yến