Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN |
Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, đường dây 220 kV Sóc Sơn-Vân Trì có tổng chiều dài tuyến là 27,3km, với 101 vị trí chân móng cột đi qua địa bàn 10 xã, thị trấn của ba huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn (Hà Nội).
Dự án này có tổng mức đầu tư 254 tỷ đồng được cấp từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á/Cơ quan Phát triển Pháp (ADB/AFD) cho phần vật tư thiết bị; chi phí xây lắp được bố trí từ nguồn vốn vay và vốn tự có của EVN NPT.
Trạm biến áp 220 kV Vân Trì có tổng mức đầu tư 215 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các huyện Mê Linh, Đông Anh và các vùng lân cận Thủ đô Hà Nội, giảm tải cho các trạm biến áp 220kV Chèm và Sóc Sơn.
Tại lễ đóng điện, Tổng Giám đốc EVN NPT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, Thủ đô Hà Nội là khu vực luôn có tốc độ tăng trưởng phụ tải điện thuộc hàng cao nhất toàn quốc (trên 15% năm).
Dự báo năm nay, phụ tải Hà Nội sẽ đạt 2436 MVA, năm 2014 sẽ đạt 2669 MVA và năm 2015 sẽ đạt 2.924 MVA. Trong khi đó, 5 trạm 220/110kV đang cấp điện cho Hà Nội mới có tổng công suất đặt tương đương là 2.875MVA.
Với việc đưa vào vận hành hai công trình trên, Hà Nội sẽ được bổ sung lượng công suất đặt của máy biến áp MBA 220kV là 500MVA, tương đương 17% lượng công suất đặt hiện hữu, cung cấp điện cho khoảng 10 triệu dân của thành phố và đảm bảo cấp đủ nhu cầu phụ tải của Hà Nội trong năm 2013.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An khẳng định từ kinh nghiệm thi công xây dựng và quản lý hai công trình này, EVN NPT sẽ rút ra bài học để đẩy nhanh tiến độ các dự án mới đảm bảo cấp điện cho Thủ đô, trước mắt là dự án đường dây 220kV Vân Trì-Chèm đi qua 30 xã thuộc 3 huyện Mê Linh, Đông Anh và Từ Liêm của Hà Nội.
TTXVN