Theo tờ trình của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trong khi thi công nút giao Hoàng Hoa Thám-Văn Cao đã phát lộ đoạn thành cổ và phát hiện một số hiện vật thời Lý, Trần, Lê. Theo tư liệu lịch sử, đây là đoạn thành cổ còn lại duy nhất phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử nhiều mặt của Thăng Long-Hà Nội.
Theo các nhà sử học, tuyến đê Hoàng Hoa Thám bị phá trong quá trình thi công tuyến đường Văn Cao-Hồ Tây chính là đoạn Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ hiếm hoi còn lại.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, đường Hoàng Hoa Thám là một con đường giao thông được xây dựng trên một đoạn Hoàng thành Thăng Long xưa.
Do đó, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Giao thông-Vận tải và Ban quản lý dự án giao thông đô thị tạm dừng thi công tuyến đường Văn Cao-Hồ Tây (đoạn cắt qua đê Hoàng Hoa Thám) để phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Viện Khảo cổ học tiến hành nghiên cứu khảo cổ, thu thập hiện vật tại hiện trường.
Sau khi cơ quan chuyên môn hoàn thành công tác nghiên cứu lập hồ sơ hiện vật, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Viện khảo cổ học tổ chức Hội nghị liên quan xây dựng kế hoạch khai quật khảo cổ tuyến đê Bưởi phục vụ nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị. Đồng thời tham mưu đề xuất với thành phố phương án giải quyết.
Dự án đường Văn Cao-Hồ Tây có tổng mức đầu tư gần 373 tỷ đồng, phạm vi chiếm đất là hơn 47.000m2, đi qua địa bàn các phường Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ) và phường Liễu Giai (quận Ba Đình)./.