(TT&VH) - Ethiopia hiện là nơi sinh sống của nhiều bộ tộc vẫn duy trì lối sống nguyên thủy như cha ông họ sống cách đây hàng thiên niên kỷ. Tuy nhiên, những phong tục và truyền thống giàu màu sắc văn hóa của các bộ tộc này đang có nguy cơ mai một trước làn sóng ngày càng đông những du khách đổ tới nơi đây.
Sông Omo đổ vào hồ Turkana nằm không xa biên giới giữa Ethiopia, Nam Sudan và Kenya. Trong vùng đất của Ethiopia có thung lũng Omo. Đây là một khu vực rất khó tiếp cận, từ thủ đô Addis-Abeba của Ethopia, du khách phải mất 3 ngày đi đường hành xác trên những con đường cheo leo vắt qua sườn dốc.
Vườn địa đàng Eden trên hạ giới
Các đây 20 năm, rất hiếm du khách đặt chân đến này. Nhưng hiện giờ con số đó là 20.000 người mỗi năm. Cũng chính tại nơi này, những bộ xương lâu đời nhất của người Homosapien, có niên đại gần 195.000 năm được tìm thấy. Thung lũng Omo giống như khu vườn Eden. Tuy hoang dã và mấp mô, thiên nhiên nơi đây mang vẻ đẹp nguyên thủy, hấp dẫn những người ưa khám phá.
Sức hấp dẫn chính của nơi đây chính là sự tồn tại của 16 tộc người, được ví như một bảo tàng đa dạng về gen và ngôn ngữ. Nét đặc biệt này đã giúp thung lũng Omo được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới của năm 1980. Phần lớn các bộ tộc này vẫn duy trì lối sống như tổ tiên họ cách đây hàng ngàn năm. Với họ, du khách giống như những người tương lai đến từ cỗ máy thời gian.
Đa số sống trong các lều dựng lên từ rơm và bùn, một thế giới tiền công nghiệp khi điện và nước uống được xem là không tưởng. Các mảnh quần áo chắp trên người được làm từ da thú, trẻ con trần truồng chạy rông. Một số bộ tộc sống nhờ vào trồng ngô và lúa miến, nuôi dê hoặc bò sữa.
Phụ nữ Mursi sắp hàng chờ đón du khách
Những truyền thống kế thừa từ tổ tiên
Những tộc người này không có khái niệm tài sản và mang bản sắc bộ lạc theo những cách khác nhau. Một số rạch vẽ trên da tạo thành những bức hình phức tạp. Số khác sử dụng cơ thể như một tấm vải sơn dầu dùng để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật khác nhau, được họ giải thích là có thể giúp xua đuổi côn trùng và bệnh tật.
Phụ nữ trong bộ tộc Hamar gây chú ý nhờ việc chuẩn bị một hỗn dịch từ mỡ động vật và ớt đỏ để tết tóc thành các lọn nhỏ. Lông chim, hoa rừng, da thuộc, gỗ và đôi khi là cả đồng thau được sử dụng tạo ra các vòng đeo tay, đeo cổ hay trang sức khác.
Trong khi đó, phụ nữ Mursi làm đẹp bằng các món nữ trang bằng đất sét. Họ bắt đầu đeo chúng khi đến tuổi thiếu niên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nghi lễ này có từ thời buôn nô lệ da đen. Để làm cho những người phụ nữ trở nên hấp dẫn trong con mắt của những người buôn nô lệ, người Mursi bắt đầu cắt khoét môi dưới để dần đặt những chiếc đĩa càng ngày càng rộng vào chỗ đó. Theo thời gian, người Mursi đã coi đây như là một nghi thức ăn vào bản sắc bộ tộc và trở thành một lợi thế ngoại hình đối với những người phụ nữ của họ. Những chiếc đĩa khá nặng, phụ nữ mang chúng chủ yếu trong các nghi lễ quan trọng như cưới xin hoặc lễ hội của bộ tộc và cả khi có du khách ghé thăm.
Một số vẫn gìn giữ những phong tục bộ lạc rất độc đáo. Trước khi lấy vợ, trai tráng bộ tộc Karo phải trần truồng nhảy một vũ điệu trên lưng những con bò tót được buộc lại với nhau. Họ chỉ trở thành người đàn ông thực thụ nếu hoàn thành vũ điệu mà không ngã xuống đất.
Bộ tộc Hamer cũng có truyền thống tương tự nhưng có sự tham gia của những phụ nữ. Họ có nhiệm vụ mang rượu đến mời các thành viên bộ tộc tới theo dõi các hoạt động trên.
Với người Mursi, họ có truyền thống uống say bia làm từ lúa miến vào buổi tối. Khi đó họ trở nên rất hiếu chiến và du khách khi tới thăm bộ tộc này được khuyến cáo là nên rời khỏi làng vào giữa buổi chiều.
Nguy cơ mai một bản sắc
Tuy nhiên việc ngày càng nhiều du khách tới đây tìm hiểu về các bộ tộc nguyên thủy đã khiến người dân của các bộ tộc này cũng mất dần sự "ngây thơ trong sáng". Trên con đường dẫn tới thung lũng, lũ trẻ chạy nhảy sau những chiếc ô tô chở du khách với hy vọng nhận được quà bánh.
Trong làng của người Mursi, tất cả đều được quy ra tiền. Người cao tuổi nhất được giao việc thu phí vào thăm làng. Ai muốn chụp ảnh với ông phải xì ra từ 2-3 birr (tiền của Ethopia, khoảng 0,5 USD). Một số người còn chuẩn bị sẵn các xấp tiền birr lẻ để đổi cho du khách. Du khách mua càng nhiều kẹo, bút, dao cạo dâu càng được chụp ảnh miễn phí nhiều hơn. Những kiểu đổi chác này là dấu hiệu của sự thâm nhập của thế giới hiện đại vào một xã hội cổ.
Một số người dân thậm chí đã sắm điện thoại di động, như những gì đang diễn ra ở tộc người Bodi. Trong một ngày gần đây, người ta thấy vị tộc trưởng phơi mình dưới nắng, khoác chiếc khăn đơn và kè kè bên cạnh ông là một chiếc điện thoại di động. Chuông điện thoại bất ngờ reo vang và vị tộc trưởng cầm máy, trả lời như một doanh nhân. Hình ảnh này khiến du khách không khỏi chua chát, bởi nó là bằng chứng sống động nhất cho thấy các bộ tộc nguyên thủy đang bị hủy diệt dần, ít nhất là trên mặt văn hóa.
Đào Ngọc (Tổng hợp)