(Thethaovanhoa.vn) - Việc khoán kinh phí xe công với xe ô tô của các đại biểu Quốc hội chuyên trách nên tập trung về một mối, không nên giao về cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà nên giao cho Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất.
Trong phiên làm việc sáng 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).Thảo luận về tên gọi của dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đổi thành Luật quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi). Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc đổi tên Luật là phù hợp bởi khái niệm tài sản công đã được quy định trong Hiến pháp.
Về ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và ủy ban thẩm tra luật xung quanh việc khoán kinh phí xe công với các đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng được các Ủy viên Thường vụ tập trung thảo luận.
Việc khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương,...
Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng. Một số ý kiến đề nghị thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí không nên giao cho Bộ Tài chính quy định và bổ sung thẩm quyền quy định khoán kinh phí xe ô tô của UBTVQH đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực tế hiện nay, việc khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng. Việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu của công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Riêng về thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách và Cơ quan soạn thảo xin bổ sung thẩm quyền của UBTVQH trong việc khoán kinh phí xe ô tô đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách và thay thẩm quyền của Bộ Tài chính bằng thẩm quyền của Chính phủ trong quy định việc xác định mức khoán kinh phí, thanh toán kinh phí khoán sử dụng tài sản công của các đối tượng khác. Nội dung này được thể hiện tại khoản 3 và khoản 4 Điều 33 của Dự thảo luật.
Tuy nhiên, quy định này không nhận được sự đồng tình của các thành viên UBTVQH. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Chính phủ đã phụ trách việc mua sắm xe, không có lý gì mà việc khoán kinh phí xe ô tô lại giao về Thường vụ Quốc hội”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc khoán kinh phí xe công với xe ô tô của các đại biểu Quốc hội chuyên trách nên tập trung về một mối, không nên giao về cho UBTVQH mà nên giao cho Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất.
Theo Báo Tin tức
Tags