Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019: Nhiều hoạt động đặc sắc phục vụ du khách

Thứ Sáu, 12/04/2019 18:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019, ngày 12/4 (tức ngày mùng 8/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ  đã diễn ra lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven thành phố Việt Trì về Đền Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019: Nhiều chương trình hát Xoan đặc sắc phục vụ du khách

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019: Nhiều chương trình hát Xoan đặc sắc phục vụ du khách

Chương trình “Hát Xoan làng cổ” là một trong những hoạt động chính phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019, được tổ chức liên tục phục vụ du khách trong suốt những ngày diễn ra Lễ hội.

Theo đó, ngay từ 6 giờ, 7 kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven đã tập trung tại cổng đá, dẫn vào sân Trung tâm lễ hội Đền Hùng.

Năm nay có 7 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến về Đền Hùng, gồm: Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Vân Phú, Hy Cương (thành phố Việt Trì), Tiên Kiên, Hùng Sơn (huyện Lâm Thao).

Theo lịch trình, 7 đoàn đồng loạt rước kiệu từ đình, đền ở các xã, thị trấn về Đền Hùng. Sau đó đoàn đi qua sân Trung tâm lễ hội, lên sân công quán, về Đền Giếng và trở về sân Trung tâm lễ hội.

Chú thích ảnh
Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Đội hình rước kiệu được sắp xếp theo trình tự: Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đó là đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, đoàn người đánh chiêng, trống, rước tàn lọng và đội kiệu, cuối cùng là chủ tế, quan viên, các cụ cao tuổi, nhân dân địa phương. Lễ vật gồm hương hoa, bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương.

Đây là nghi lễ truyền thống được các làng vùng ven di tích duy trì, bảo tồn hàng ngàn năm nay, thể hiện tính cộng đồng, tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội.

Cùng ngày, Ban tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019 tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy.

Hội thi có sự góp mặt của 14 đội; trong đó 13 đội đến từ các huyện, thị, thành trong tỉnh và 1 đội của các nghệ nhân dân gian tỉnh Hải Dương.

Các đội tham gia hai phần thi là gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy. Sản phẩm sau khi hoàn thành phải đạt tiêu chí về thẩm mỹ. Bánh chưng phải chín rền, đảm bảo thơm ngon, mùi vị hấp dẫn; bánh giầy phải dẻo, mịn, trắng, bánh tròn, thành cao, bày trên mâm có dán chữ “Phúc” màu đỏ.

Với tấm lòng thành kính, các đội thi đã chọn nguyên liệu làm bánh ngon nhất, thao tác nhanh và chuẩn xác để có thể hoàn thành việc gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy trong thời gian ngắn mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Đội đoạt giải Nhất Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy năm 2019 sẽ được gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy dâng lên Vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch năm 2020.

Tạ Văn Toàn/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›