(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và đại biểu tại các điểm cầu trên cả nước.
Hội nghị nhằm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết 42); Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Quyết định 15) và hướng dẫn công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Chặt chẽ, chính xác trong xác định đối tượng thụ hưởng
Trên cơ sở các nội dung được thông tin tại Hội nghị, các địa phương đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, từ đó đề xuất Trung ương có hướng dẫn để việc triển khai Nghị quyết 42 không bị lúng túng và xảy ra sai sót.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ là sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để chăm lo cho sức khỏe của nhân dân, cùng nhân dân vượt qua đại dịch. Tinh thần này được thể hiện rõ qua các Chỉ thị của Chính phủ, đặc biệt là nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống dịch tại Hội nghị của Bộ Chính trị ngày 23/4/2020.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, để thực hiện nghiêm Nghị quyết 42, Quyết định 15 và đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng, không để xảy trường hợp tiêu cực trong các khâu triển khai ở các cấp, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, chính quyền các cấp trước hết phải: “Phối hợp chặt chẽ - Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng - Triển khai bài bản - Kết quả công khai”.
Chia sẻ về kinh nghiệm rút ra từ Chương trình phối hợp Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, vai trò giám sát của nhân dân rất quan trọng.
“Ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả. Vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh. Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định”, ông Trần Thanh Mẫn chỉ rõ.
Trên tinh thần đó, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách. Danh sách tổng hợp phải rõ ràng tên tuổi, địa chỉ, mức và hình thức hỗ trợ.
Ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu cần công khai mức và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát”. Số điện thoại, địa chỉ email từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã cần được cung cấp để nhân dân trực tiếp phản ánh; đồng thời trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, của bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
- Dịch COVID-19: Việt Nam không có ca mắc mới nhưng có ba trường hợp dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2
- Quảng Ninh: Cần công khai khoản đầu tư trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19
Đề cao trách nhiệm trong các khâu triển khai thực hiện
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Nghị quyết 42, Quyết định 15 của Chính phủ đã quy định rất rõ những nguyên tắc, đối tượng cũng như thủ tục, điều kiện, quy trình để triển khai gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt, thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác, đề cao trách nhiệm, sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, trước Chính phủ và nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung rà soát kỹ các đối tượng được hưởng chính sách, đảm bảo tổng kinh phí không vượt quá số đã báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Trung ương. Các Bộ, ngành, địa phương kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, trong các trường hợp cần thiết đối với nội dung thuộc lĩnh vực được giao quản lý điều hành thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương, nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thủ tướng chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện ở địa phương, đơn vị, không để lợi dụng trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nếu có...
Việc ban hành Nghị quyết 42 và gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho hơn 20 triệu lượt đối tượng người lao động và người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. “Một quyết định chưa có tiền lệ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, gói hỗ trợ này đã và đang thu hút sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của đông đảo nhân dân cả nước. Đến nay, về cơ sở pháp lý, các địa phương đã hoàn toàn đủ căn cứ để triển khai. Ngay sau Hội nghị này, các Bộ, cơ quan liên quan sẽ tiếp tục hướng dẫn bằng thông tư hoặc có văn bản công văn hướng dẫn trong phạm vi thẩm quyền được phân công, trong đó có Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số đơn vị sẽ tiếp tục triển khai hội nghị trực tuyến toàn quốc để hướng dẫn cách thực hiện theo tính chất nghiệp vụ đặc thù. Các địa phương bám sát các nguyên tắc cơ bản: chỉ tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu về thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không đảm bảo mức sống tối thiểu và một số đối tượng chính sách được quy định trong Quyết định và Nghị quyết của Chính phủ. Tinh thần là Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm đảm bảo cuộc sống của người dân. Việc hỗ trợ cần phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng chính sách.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm rõ hơn về cách thức triển khai nội dung Nghị quyết: “Mỗi đối tượng chỉ hưởng hỗ trợ một chính sách, bình thường có thể lựa chọn chính sách cao nhất. Nếu như đối tượng đó từ chối hưởng chính sách cao nhất mà xin nhận một chính sách thấp hơn, chúng ta ủng hộ tinh thần đó, không ép bất cứ một đối tượng nào.
Về vấn đề tiêu chuẩn hồ sơ, thủ tục, quy trình tiến hành, Bộ trưởng đề nghị cần thực hiện theo đúng Quyết định 15, không ban hành thêm thủ tục hành chính vì khía cạnh này là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. “Bên cạnh làm đúng, minh bạch, cần phải tiến hành làm nhanh, khẩn trương, không để chính sách đưa ra rồi mà còn lòng vòng mãi, không để trễ về chính sách. Người dân mong chờ lắm rồi, lúc người dân cần, phải hỗ trợ ngay. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo tới được đúng đối tượng là trách nhiệm của các địa phương. Các địa phương, đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, HĐND, cấp ủy về vấn đề này. Tinh thần của việc triển khai là khuyến khích các đơn vị thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chuyển khoản qua ngân hàng. Hiện một số ngân hàng đã đăng ký mở tài khoản cho người lao động và chuyển tiền miễn phí.
Đối với việc tập trung triển khai hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng: hộ nghèo, người có công, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội ngay trong tháng 4/2020, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, điều này không có nghĩa các đối tượng khác không triển khai trong tháng 4, đối tượng lao động tự do đang rất cần được hỗ trợ và càng thực hiện nhanh càng tốt.
Quyết định 15 nêu rõ quy trình công khai và giám sát một phần. Đối với giám sát ở cơ sở, Bộ trưởng đề nghị UBND cấp cơ sở và đoàn thể các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát, lên danh sách đối tượng hưởng hỗ trợ, không chờ lập xong danh sách mới giám sát. Đối với cấp tỉnh, huyện, Trung ương, việc giám sát theo từng gói là giám sát theo chuyên đề và giám sát theo các đoàn. Ở khu vực doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn cần tham gia giám sát ngay từ đầu.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lập đường dây nóng, lập trang điện tử, lập một nhóm để nghiên cứu giải đáp các thắc mắc ngay. Những vấn đề thắc mắc của các địa phương, trong tối nay, các địa phương chuyển thông tin về Bộ. Chậm nhất chiều 29/4, Bộ sẽ trả lời bằng văn bản. Bộ và Mặt trận Tổ quốc sẽ giải đáp công khai, minh bạch”.
Hiền Hạnh - TTXVN
Tags