(Thethaovanhoa.vn)- Sau hơn một năm triển khai, dự án “Xây cầu đến lớp” đã hoàn thành 5 cây cầu ở 3 địa phương, giúp đỡ hơn 2.700 học sinh miền núi, vùng sông nước.
“Xây cầu đến lớp” là dự án hỗ trợ phát triển trẻ em các vùng khó khăn do Grab cùng cộng đồng chung tay đóng góp, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN), với kinh phí 4,66 tỷ đồng cho năm đầu tiên. Được triển khai từ tháng 5/2019, dự án đã xây dựng 5 cây cầu dân sinh tại Vĩnh Long, Tiền Giang, Hà Giang, giúp đường đến trường của khoảng 2.700 trẻ em an toàn, thuận tiện hơn.
Ngày 15/12 tại Hà Nội, Quỹ BTTEVN cùng Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo sơ kết dự án “Xây cầu đến lớp” năm thứ I. Tại hội thảo, dự án nhận được sự đánh giá cao của đại diện các ban, ngành cũng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Món quà vô giá trao đến trẻ em vùng khó khăn
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đánh giá 5 cây cầu đưa vào sử dụng đã giúp hàng nghìn trẻ em là học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sông nước, hàng ngày đi học an toàn, rút ngắn khoảng cách đến trường, hàng nghìn hộ dân tham gia giao thông, giao thương hàng hóa được thuận tiện, đồng thời góp phần giúp địa phương đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Dù năm 2020 kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Grab vẫn nỗ lực thực hiện cam kết sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng bằng việc làm thiết thực.
Bà Đặng Thị Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại của Grab Việt Nam, cho biết: “Grab rất vui mừng vì sau một năm triển khai, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dự án "Xây cầu đến lớp" vẫn đúng kế hoạch. Với tổng cộng 5 cây cầu được xây dựng ở 3 địa phương, dự án đã đáp ứng đúng và kịp thời nhu cầu thực tế của bà con, hỗ trợ hàng nghìn trẻ em đến trường và hàng trăm nghìn người dân qua sông, qua suối an toàn hơn”.
Bên cạnh đóng góp tài chính trực tiếp từ Grab, người dùng Grab cũng đã tích cực đóng góp điểm thưởng GrabRewards và chuyển tiền qua ví Moca trên ứng dụng Grab, với tổng số tiền đóng góp lên đến hơn 4,6 tỷ đồng.
Những cây cầu của chương trình “Xây cầu đến lớp” đã mang đến nhiều thay đổi cho nhiều học sinh miền núi, vùng sông nước. Trước đây, vào những ngày nắng, học sinh ở xã Nậm Ty và xã Tân Lập (Hà Giang) phải lội qua suối đi học. Các em không dám đi một mình mà phải cùng dắt nhau qua. Chuyện bị ngã, ướt, hay trôi dép, trôi cặp là thường xuyên. Còn ngày mưa, các em phải nghỉ học.
Từ khi có cầu bắc qua suối, đường đến trường của các em dễ dàng hơn rất nhiều. Em Triệu Mù Ngh. chia sẻ: “Trước khi có cây Đập tràn, em thường phải dậy từ 4h sáng để đi đến trường, nay em có thể đi từ 5h45 vẫn kịp đến trường”.
Người dân địa phương cũng không giấu niềm hồ hởi, vui mừng khi cầu xây xong. “Mừng quá xá luôn ông ơi”, bà Nguyên Thị Ph. 61 tuổi, người dân sống gần cầu Phước Thới B (Vĩnh Long) cho biết. Ngày khánh thành cầu, gia đình bà đã làm nhiều mâm cơm đặt ngay trên cầu, để mọi người đi qua có thể vào cùng ăn mừng cây cầu mơ ước.
Dành 3 tỷ đồng xây thêm cầu đến lớp trong năm 2021
Bước sang năm thứ hai của dự án, Grab sẽ tiếp tục đồng hành với Quỹ BTTEVN xây dựng 3 cây cầu dân sinh tại các vùng nông thôn, hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng.
Các địa phương dự kiến khảo sát để triển khai dự án này trong năm tới là Lai Châu, Quảng Ninh, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Theo thỏa thuận hợp tác, trong 3 năm, Quỹ BTTEVN và Grab Việt Nam sẽ cùng triển khai dự án xây dựng cầu giao thông (cầu cứng và cầu liên hợp đập tràn) tại một số địa phương.
Đây cũng là một phần trong lộ trình thực hiện sứ mệnh "Grab vì cộng đồng" mà Grab đang cam kết thực hiện tại Việt Nam, từ đó đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung.
Theo Zing