(Thethaovanhoa.vn) - Tại phiên họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 11/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã đề nghị các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện 8 nhiệm vụ phòng, chống dịch khi Chính phủ chủ trương tiếp tục mở cửa có kiểm soát dịch bệnh, cho phép người Việt Nam về nước được cách ly tại khu cách ly tập trung hoặc thu phí tại khách sạn... "Thời gian tới, thành phố Hà Nội chuyển trạng thái phòng, chống dịch quyết liệt hơn, cần thiết phải điều chỉnh biện pháp phù hợp hơn", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Ông Ngô Văn Quý đề nghị cần quản lý chặt chẽ người nhập cảnh tại khu cách ly tập trung, khách sạn; chuẩn bị điều kiện cách ly khi Chính phủ mở đường bay để đáp ứng yêu cầu. Công an thành phố, các quận huyện, thị xã tăng cường quản lý đảm bảo an ninh trật tự tại khu cách ly. Sở Y tế chỉ đạo mua vật tư y tế, sinh phẩm hóa chất phục vụ cho công tác xét nghiệm. Cùng với việc tiếp tục kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tiếp tục quan tâm đến các dịch, bệnh khác như: sốt xuất huyết, sởi…, nhất là sốt xuất huyết do đã có ca tử vong nên không được chủ quan, lơ là.
Liên quan đến chủ trương tổ chức cách ly cho người nước ngoài và công dân Việt Nam có nhu cầu cách ly tại khách sạn có thu phí, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, sắp tới, Việt Nam sẽ mở đường bay thương mại trước mắt tới: Đài Loan và Quảng Đông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, sau đó thêm đường bay đến Lào, Campuchia. Hành khách sẽ đi - đến tại 3 sân bay tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Số lượng hành khách nhập cảnh mỗi tuần khoảng 5.000 người, do đó nhu cầu cách ly tại khách sạn sẽ tăng cao.
Để bố trí nơi cách ly tại khách sạn cho những trường hợp này, đại diện Sở Du lịch cho biết đã tiến hành khảo sát tại các khách sạn được khoảng 4.000 giường. Qua khảo sát, các Sở: Du lịch, Y tế sẽ xây dựng tiêu chí để các khách sạn đăng ký làm nơi tiếp nhận cách ly. Hiện nay, ngoài 8 khách sạn trước đây đã làm nơi cách ly cho người nước ngoài, có thêm 16 khách sạn đã có đơn đề nghị được làm nơi cách ly với tổng số 1.500 phòng, gần 2.000 giường.
“Việc Chính phủ cho phép mở đường bay thương mại, cho phép người Việt Nam về nước được cách ly tại khu cách ly tập trung hoặc thu phí tại khách sạn; một số người nước ngoài không phải thực hiện cách ly 14 ngày mà được phép hội họp, đi thực địa…là thách thức lớn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Nếu không quản lý tốt đối tượng nhập cảnh tại các khu cách ly, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh sẽ rất cao”, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nhận định.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố sẽ có quyết định về số lượng những khách sạn được sử dụng làm khu cách ly và có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể khi đưa các khách sạn vào vận hành phục vụ cách ly cho các đối tượng có nhu cầu.
Đối với vấn đề khu cách ly, đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đơn vị đã kiểm tra tại Bệnh viện huyện Mê Linh, cơ sở vật chất ở đây đáp ứng được yêu cầu, đề nghị thành phố sớm triển khai để bố trí quân nhu và chuẩn bị các công tác khác phục vụ cách ly cho đối tượng F1.
Báo cáo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, 25 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Ngày 9/9, Hà Nội ghi nhận thông tin về một trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh tại Pháp. Cô gái 25 tuổi, có địa chỉ tại xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, là du học sinh tại Hàn Quốc nhập cảnh về Việt Nam từ tháng 5/2020 (được cách ly tập trung tại Đà Nẵng), ngày 10/6 kết thúc cách ly trở về Hà Nội. Thời gian ở Hà Nội, cô gái này ít đi ra ngoài địa phương, chỉ đi chỉnh nha (Phòng khám Nha khoa quốc tế Việt Đức số 84A Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) và làm thủ tục xin Visa tại Đại sứ quán Pháp. Ngày 3/9, cô gái này nhập cảnh vào Pháp (chuyến bay QR977 quá cảnh tại Quatar), ngày 4/9 được lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày 8/9 có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra, xác minh được 15 trường hợp liên quan, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả 15/15 mẫu âm tính với SARS-CoV-2. Các trường hợp này đã được cách ly theo quy định. Lũy tích đợt 3 từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 38 ca mắc, chưa có tử vong; trong đó có 11 ca ngoài cộng đồng, 27 ca được cách ly ngay khi nhập cảnh.
Từ ngày 8 - 11/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã xét nghiệm cho 1.284 trường hợp là người nhập cảnh, người dân có biểu hiện ho, sốt, trường hợp có yếu tố dịch tễ. Kết quả tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2.
Chỉ đạo phiên họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận, những kết quả đạt được trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhận định dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp có thể bùng phát, quay trở lại nếu không có những giải pháp kịp thời, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố cần lưu ý những giải pháp cụ thể hơn; đặc biệt khi việc mở lại đường bay thương mại (chủ yếu về Hà Nội), đối tượng cần giám sát và cách ly sẽ tăng thêm.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xem xét mở lại một số đường bay thương mại quốc tế
- Dịch COVID-19: Đảm bảo công tác xét nghiệm khi Việt Nam mở lại một số đường bay quốc tế
- Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay quốc tế từ 15/9
Theo quan điểm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, việc nới lỏng các giải pháp sẽ tác động đến công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Do đó, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị cần có những giải pháp mới. Các ngành chuyên môn như: Y tế, Quân đội, Công an cần có dự báo sát tình hình để có phương án chủ động, phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, các đơn vị cần chuẩn bị các điều kiện về vật tư; phân công phân nhiệm vụ; đánh giá việc thu phí cách ly cũng như những điều kiện đảm bảo an toàn đối với khu cách ly ở khách sạn… UBND thành phố giao các ngành chuẩn bị điều kiện tiếp tục nới lỏng một số hoạt động; xây dựng tiêu chí cho mở cửa các hoạt động có tập trung đông người hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao; tăng cường kiểm tra tại cơ sở khi hoạt động trở lại.
Các quận, huyện, ngoài việc kiểm tra các đơn vị theo thẩm quyền cần quan tâm đến khối trường học; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép; đẩy mạnh nguồn thu nhằm bù lại những thiệt hại do COVID-19…
Đối với thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương mở một số chuyến bay thương mại. Tất cả công dân Việt Nam nếu có nhu cầu đều được cách ly có thu phí tại các khách sạn. bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị tại các khách sạn phải chuẩn bị tốt các điều kiện về y tế, quy trình cách ly, phân công, phân nhiệm nhân viên phục vụ tại khu cách ly, đặc biệt quan tâm đến quy trình cách ly phải bảo đảm an toàn cho khu dân cư.
Tuyết Mai/TTXVN
Tags