(Thethaovanhoa.vn) - Vốn là mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử ngàn năm, chốn phốn hoa đô hội của Thăng Long – Đông Đô xưa, ngày nay Hà Nội vẫn tiếp nối mạch nguồn văn hóa cũ, có sự tiếp nhận và tiếp biến văn hóa bốn phương, vừa để giữ gìn những nét đẹp truyền thống, vừa phù hợp với xu hướng mới. Dù cuộc sống xoay vần, đời sống tinh thần chịu nhiều tác động của mặt trái kinh tế thị trường song những giá trị tinh thần quý vẫn không thay đổi. Với lợi thế đó, Hà Nội đang có chiến lược phát triển toàn diện con người, trong đó chú về văn hóa, văn minh và ứng xử. TTXVN giới thiệu loạt bài viết “Hà Nội, nơi gửi trọn tình yêu và sự cống hiến”.
- Văn hóa Thăng Long là tiềm lực Quốc gia
- Bảo tồn 'hồn cốt' văn hóa Thăng Long - Hà Nội
- Giữ gìn và phát huy bản sắc "Văn hóa Thăng Long"
Mạch nguồn nhân văn vẫn chảy
Những nếp sống, thói quen mới được hình thành của người Hà Nội, tạo nên đặc trưng riêng trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng dân cư và từ đó lan tỏa từ đời này sang đời khác. Ngày nay, nét riêng đó vẫn được người dân gìn giữ như một vốn quý và luôn rèn giũa để nó tỏa sáng.
Nét thanh lịch, được nhiều người biết tới, như là sự đúc kết về cách đối nhân xử thế của người Hà Nội biết trân trọng lễ nghi, kính trên nhường dưới, thân thiện với mọi người xung quanh. Người Hà Nội xưa đặc biệt coi trọng văn hóa ứng xử và được lấy làm tiêu chuẩn đánh giá sự hơn kém của mỗi người, nhất là đối với phụ nữ. Cách ứng xử ấy vẫn còn đọng lại trong mỗi nếp nhà, ngõ phố, khu dân cư, ở cả các cơ quan, công sở và được người Hà Nội ý thức gìn giữ. Nếu bạn đi nhầm đường chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ tận tình của người xung quanh; nếu bạn vô tình bị xô đẩy sẽ nhận được lời xin lỗi; tại phòng bán vé ga tàu, bến xe dễ dàng nhận thấy cảnh xếp hàng trật tự; nơi công cộng không xảy ra cảnh to tiếng, cãi vã…Còn trong gia đình hiện nay, những chuẩn mực đạo đức, truyền thống gia phong trong ứng xử vẫn đặc biệt được coi trọng.
Gia đình bác Vũ Hiền Dung, tổ dân phố số 2, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội luôn được bà con khối phố quý trọng bởi mọi người trong gia đình sống có khuôn phép, ứng xử tốt với người xung quanh. Trong cuộc sống thường ngày bác luôn nêu gương cho con cái biết cư xử đúng mực từ trong gia đình ra ngoài xã hội, tận tâm với công việc chung của tổ dân phố. Vì vậy, con cái trong gia đình bác cũng theo nếp ấy để sống, đồng thời học hành thành đạt, hiếu nghĩa với cha mẹ. Theo quan điểm của bác, người Hà Nội xưa hào hoa, thanh lịch nên ngày nay cần phải giữ gìn truyền thống đó, mà trước hết phải giữ từ truyền thống gia đình.
Nhiều người từng đánh giá khắt khe rằng, văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội dần mất đi, người ta sống thực dụng hơn, ra đường dễ phát sinh mâu thuẫn, thanh niên sính cách nói huỵch toẹt, nói lóng; người đi đường vô cảm khi gặp người bị nạn… Bởi họ cho rằng, đó là sự ảnh hưởng của quá trình phát triển của xã hội, ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài du nhập, của cơn lốc đô thị hóa và chạy theo lợi ích đồng tiền… đã thay đổi lối sống, cách suy nghĩ của con người. Đấy là những biểu hiện đang nảy sinh trong đời sống; còn chúng ta cũng cần nhìn nhận xã hội đang phát triển ngày càng văn minh với vô vàn cái tốt, cái đẹp.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ, cái lợi thế của Hà Nội là có văn hóa ngàn năm văn hiến; tự hào của Hà Nội là được nhiều người tìm đến để sinh sống, lao động. Tuy nhiên, mặt trái đô thi hóa và du nhập văn hóa nhiều vùng miền, cũng đang là thách thức để Hà Nội luôn giữ được bản sắc, Vì vậy, công tác định hướng và tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân đều hiểu và tình nguyện thực hiện đang là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quá trình đổi mới.
Tự hào kho tàng di sản quý
Bao thế hệ người Hà Nội đều tự hào với truyền thống ngàn năm văn hiến, được lưu truyền, tiếp nối theo dòng chảy lịch sử. Niềm tự hào đó không chỉ gắn với các giá trị văn hóa tinh thần mang cốt cách người Tràng An, mà còn gắn với các giá trị văn hóa phi vật thể và một hệ thống văn hóa vật thể dày đặc. Cũng không có địa phương nào mà các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể lớn như Hà Nội, trong đó nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Không chỉ cộng đồng lưu giữ mà thành phố cũng quan tâm bảo tồn vốn quý cha ông để lại với sự trân trọng và đầu tư xứng đáng.
Ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cũng khẳng định rằng, trong định hướng phát triển văn hóa của Hà Nội là gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa vật thể, phi vật thể. Đây là định hướng đúng về nhận thức nhằm giữ gìn di sản của cha ông và nó cũng chính là động lực cho phát triển kinh tế. Không chỉ đồng lòng bảo tồn di sản mà thành phố còn tiếp tục xây dựng giá trị thời đại mới thông qua các công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Hà Nội hiện có hàng nghìn loại hình văn hóa truyền thống phi vật thể, đây cũng là một phần “hồn cốt” Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh các di sản được cộng đồng gìn giữ, đang phát huy tốt, nhiều di sản cũng bị mai một. Nhưng trước thực trạng đó, ngành văn hóa Hà Nội cùng chính quyền các địa phương tìm lại các giá trị gốc, phục dựng lại những lễ hội, những loại hình nghệ thuật truyền thống bị bào mòn. Nhờ có sự quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị nên hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn, nghệ thuật ca trù, kéo co được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Nhiều nghệ thuật múa cổ như: múa trống bồng, múa bài bông, múa Giảo Long, hát chèo Tàu… đang được nhiều người biết đến.
Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích. Với 5.922 di tích, trong đó nhiều di tích có tuổi đời cả nghìn năm, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để gìn giữ các di tích cho muôn đời sau, bởi ngoài sự hiện hữu của di sản thì giá trị tinh thần không thể đo đếm được. Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội… không chỉ nổi danh trong nước mà cả thế giới cũng biết tới. Mỗi ngày, các điểm di tích này đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Dù ở thời điểm nào, các giá trị nhân văn, giá trị văn hóa cốt lõi của Hà Nội vẫn được gìn giữ và phát huy, để văn hóa Thăng Long luôn tỏa sáng. Hà Nội đang nỗ lực khẳng định vị trí của trung tâm văn hóa của cả nước và hướng đến là trung tâm văn hóa của khu vực, địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa trên cơ sở tiếp thu văn hóa truyền thống và bồi đắp thêm các luồng văn hóa mới một cách có chọn lọc. Và mỗi con người đang là một tế bào tích cực để gìn giữ, bảo vệ và phát huy văn hóa ấy.
Bài 2: Những đóa hoa tỏa hương sắc
Văn Cảnh – Đinh Thuận
Tags