(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội đương đại hội nhập đến đâu? Câu trả lời tưởng chừng quá dễ dàng qua những đoàn khách du lịch nườm nượp trên phố, những phố Tây với nhà hàng Âu châu sang trọng. Hà Nội còn có cả “phường liên hiệp quốc” Quảng An bao quanh hồ Tây với những người định cư thuộc 50 quốc tịch khác nhau. Nhưng, nói như Giáo sư Phan Huy Lê, một thành phố hội nhập cần có những công dân quốc tế thấu hiểu lịch sử và hồn cốt của nơi ấy. Olivier Tessier là một người như thế.
Không dễ gặp Tessier dù văn phòng làm việc của anh ở Viện Viễn Đông Bác Cổ nằm ngay trung tâm Hà Nội, bởi lịch làm việc luôn kín mít. Cuối cùng, sau nhiều lần hẹn, tôi gặp anh trong căn phòng làm việc trên gác hai số 5A ngõ Hạ Hồi. Căn phòng tứ phía là kệ sách ngoại văn, trên tường những tranh cổ động cũ kỹ từ thời bao cấp...
TS Olivier Tessier nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012. Ông Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (bên trái) |
Nói về Olivier Tessier, nhà sử học Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Giới sử học đã phải sửng sốt với bộ sưu tập ảnh của Olivier Tessier về thành Hà Nội. Tôi kinh ngạc với một bức ảnh Olivier Tessier tìm được ở Paris về thành Hà Nội thời kỳ còn đề là thành Thăng Long. Bức ảnh đó giải thích từng căn nhà một ở bên trong thành, Olivier Tessier chụp lại rồi chuyển những chữ Hán ra chữ Quốc ngữ kèm theo bản chú thích tiếng Pháp. Bản đồ sớm nhất mà chúng ta có về Hà Nội là năm 1831. Bản đồ của Olivier Tessier công bố có từ trước đó. Đó là bản đồ sớm nhất của Hà Nội”.
Nếu một khách phương Tây nào muốn thưởng ngoạn Hà Nội, tốt nhất là hãy đến vào những ngày Tết Nguyên đán - Olivier Tessier
Olivier Tessier kể, anh “sống” với Hà Nội thế kỷ 18 - 19 nhiều hơn hiện tại. Thời kỳ mà người Pháp muốn áp đặt Hà Nội trở thành một thành phố kiểu Pháp tựa Paris, Bordeaux, Toulouse. Năm 1831 đánh dấu thời kỳ cải cách hành chính của vua Minh Mạng, khi thành phố đổi tên từ Thăng Long thành Hà Nội. Anh đã tìm thấy bức ảnh cổ về bản đồ Hoàng thành Thăng Long vẽ trước năm 1831 tại Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris.
Để có được những tư liệu về Hà Nội, trong gần 20 năm “di cư” đến đây, anh không nhớ hết bao nhiêu chuyến đi - về giữa kinh đô ánh sáng Paris và ái thành Hà Nội. Nơi anh trở về là thư viện ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Paris; Cục Lưu trữ Quốc gia hải ngoại của Pháp; Phòng Bản đồ và Sơ đồ của Thư viện Quốc gia Pháp; Thư viện ảnh của Bảo tàng Guimet (Paris); Bộ phận Lưu trữ tư liệu ảnh thuộc Phòng Lịch sử Bộ Quốc phòng Pháp; Quỹ Tư liệu ảnh thuộc Thư viện Đại học Nice Sophia-Antipolis... Những nơi anh tìm thấy hình ảnh của Hà Nội một thời.
Chùa Báo Ân thuộc thành Hà Nội trước khi bị phá để xây Sở Bưu điện. Ảnh tư liệu do TS Olivier Tessier sưu tầm |
Nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Anh kể về bức ảnh của nỗi tuyệt vọng “trong sân một ngôi nhà trông ra hồ Nhỏ ở Hà Nội” vốn ám ảnh cuộc đời của nhân vật chính trong tác phẩm Người tình. Người tình không hẳn là kiệt tác của văn chương Pháp, nhưng là dấu ấn nhẹ nhàng lãng mạn, hợp với tính cách Paris và Hà Nội trong một cuộc giao thoa không tự nguyện. Anh đi tìm những bức hình ấy nhưng không thành công. Về Paris, đến nghĩa trang Montparnasse, nơi có ngôi mộ ghi 2 chữ giản dị “MD” (viết tắt của Marguerite Duras), anh đặt bó hoa lên mộ “người tình”, chủ nhân bức ảnh có hồ Nhỏ giữa lòng Hà Nội. Đó là sự đồng điệu của hai tâm hồn Pháp từng sống ở Việt Nam. Một người gắn bó tuổi thơ với vùng sông nước Sa Đéc cùng Hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn, còn một người là “người tình” say mê của Hà Nội.
Tiến sĩ Olivier Tessier là nhà nghiên cứu hàng đầu về Hoàng thành Thăng Long và một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của Hà Nội” - GS Phan Huy Lê
Vậy một Hà Nội đương đại trong mắt anh? Tessier đến Hà Nội từ năm 1993 và chung sống với Hà Nội từ 1995. Anh gặp Hà Nội của một thập niên đầu mới bước ra khỏi thời kỳ bao cấp. Với anh, thành phố đẹp, trong lành và rợp bóng cây. Đó là những năm mà theo anh, người Hà Nội quan hệ xã hội hiền hòa và gắn bó. Thành phố nhiều xe đạp hơn xe máy và con người mang dáng vẻ cũ kỹ hơn. Từ khoảng những năm 2000 lại đây, Hà Nội ngột ngạt và ô nhiễm hơn, xe cộ đông đúc và lúc nào cũng có thể xảy ra tai nạn giao thông. Xã hội Hà Nội cũng bắt đầu có sự phân hóa mạnh hơn, không chỉ phân hóa về kinh tế, mà phân hóa từng lớp người theo trình độ văn hóa. Từ đó, anh cũng hiếm khi lang thang Hà Nội hơn.
Nhưng Tessier kể rằng anh vẫn tìm thấy ở Hà Nội ngày nay sự tinh tế ẩn khuất trong từng dãy phố. Anh yêu Hà Nội với mái ngói lô xô trong ảnh một Đỗ Huân, trong tranh một Bùi Xuân Phái và trong tách cà phê Lâm thơm lừng giữa phố cũ, và nhất là những trang sách bên ly cà phê sách ở mảnh đất gần dinh đào Nhật Tân xưa.
Bậc thềm điện Long Thiên thuộc thành Hà Nội. Ảnh tư liệu do TS Olivier Tessier sưu tầm |
Như nhiều người Hà Nội sành cà phê và hay đọc sách, anh thích thú quán cà phê sách ở 440 đường Âu Cơ, thuộc làng Yên Phụ, nơi cố nhà văn Thạch Lam chia tay cuộc sống.
Ở đó, trong một không gian Hà Nội, anh tìm thấy đủ các loại sách, văn học thời Hy Lạp, La Mã, từ văn học cổ điển Trung Hoa, châu Âu, văn học Xô Viết và đương đại Nga, văn học châu Á, châu Mỹ La-tinh với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo; văn học Việt Nam từ cổ chí kim, từ truyện Kiều của Nguyễn Du đến Hồ Xuân Hương, từ Vũ Bằng đến Nguyễn Tuân... Và đặc biệt, ở đó anh tìm thấy Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức bà của Victor Huygo, những Miếng da lừa, Lão Goriot của Balzac... Có điều thời gian eo hẹp, khoảnh khắc ngồi cà phê với anh ngày càng “xa xỉ”.
Có một nơi Tessier hay lui tới ngoài căn gác nhỏ tầng 2 ngõ Hạ Hồi. Đó là đài phun nước phía Bắc hồ Gươm của quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây từng là nơi quân Pháp mang người Việt Nam yêu nước ra chém rồi bêu đầu. Anh đến đây để cảm nhận nhịp sống hối hả của Hà Nội, nhưng cũng để thấm thía một điều: Paris kinh đô ánh sáng muốn áp đặt Hà Nội bằng thứ hào quang giả tạo chiếu đến một xứ thuộc địa nhưng Hà Nội vẫn tỏa rạng bằng ánh sáng của riêng mình. Bởi thời nào Hà Nội cũng có anh hùng. Đó là cách lý giải của một sử gia yêu Hà Nội.
Lầu Đoan Môn của thành Hà Nội. Ảnh tư liệu do TS Olivier Tessier sưu tầm |
Tessier thường đón Tết ở Hà Nội, anh bảo ngày Xuân vào dịp Tết cổ truyền mới là những ngày phảng phất cái còn lại của không khí Hà Nội xưa. Gia đình anh cũng sắm hoa đào, bánh chưng và giò lụa.
Những ngày Tết, Hà Nội vắng vẻ và thanh tĩnh hơn rất nhiều. Ngày ấy người ta có thể đi quanh hồ Gươm, đi vòng hồ Tây, thả bộ trên đường Thanh Niên, ngắm Cột cờ Hà Nội, vườn hồng đường Bắc Sơn, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, về chợ Đồng Xuân và dạo chơi phố cổ. Những ngày ấy, Hà Nội bớt những người lam lũ, bớt thấy khoảng cách giàu và nghèo ở những con phố trung tâm.
Tessier lại chuẩn bị đón Tết Hà Nội, anh nói: “Nếu một khách phương Tây nào muốn thưởng ngoạn Hà Nội, tốt nhất là hãy đến vào những ngày Tết Nguyên đán”. Nhưng tiếc rằng không nhiều người biết điều này, trừ những người bạn của anh.
Mạnh Cường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần