(Thethaovanhoa.vn) - Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, đến chiều ngày 17/7, sau cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố, người dân 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã dỡ lều bạt, giải tán, ngừng chặn xe chở rác vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (thuộc bãi rác Nam Sơn). Đến 14 giờ cùng ngày xe rác đầu tiên đã chuyên chở rác vào bãi để xử lý theo quy định.
Sáng 17/7, tại cuộc đối thoại với đại diện chính quyền và người dân 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định, thành phố theo thẩm quyền đã ban hành cơ bản đầy đủ các chính sách liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác. Do vậy, huyện Sóc Sơn cần tập trung chỉ đạo, sớm giải quyết vướng mắc để ổn định đời sống cho người dân.
“Nơi nào cán bộ không đủ năng lực để thực hiện công việc thì được đề xuất thay thế…” ông Đào Đức Toàn nói và yêu cầu trước mắt huyện Sóc Sơn tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân để gửi đến lãnh đạo thành phố về những nội dung vượt thẩm quyền xử lý để kịp thời tháo gỡ.
“Đề nghị các cấp và nhân dân các xã vùng ảnh hưởng môi trường tiếp tục giám sát, theo dõi việc triển khai và thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng, cán bộ ai không làm được, làm sai sẽ bị thanh tra tuýt còi”, ông Toàn nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện Sóc Sơn tập trung đảm bảo tiến độ đền bù, phương án đền bù nào xong thì chi trả cho phương án đó trên tinh thần sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Nêu ý kiến tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Bình Hùng, người dân trú tại thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn), cho biết, sở dĩ người dân chặn xe rác là do tiến độ di dân khỏi vùng bán kính 500m và việc đền bù, giải phóng mặt bằng quá chậm. Bên cạnh đó, giá đất tái định cư hiện có sự chênh lệch lớn với giá đất đền bù khiến việc ổn định đời sống của người dân sau di dời gặp khó khăn.
Một số ý kiến người dân cũng cho biết, việc đền bù đất nông nghiệp hiện cũng rất chậm. Đến nay, riêng tại hai xã Nam Sơn, Hồng Kỳ vẫn còn hơn 40 hộ dân chưa nhận được đền bù. Người dân trải qua thời gian dài không có tư liệu sản xuất nên rất bức xúc.
Trả lời những vấn đề cụ thể mà người dân kiến nghị, tại cuộc đối thoại Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đất mà người dân đang sử dụng ổn định và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thành phố có chủ trương đền bù đầy đủ. Nếu có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà sau đó thanh tra thành phố xác định là không đúng quy định thì cơ quan cấp giấy chứng nhận sẽ phải chịu trách nhiệm. “Không ai được lợi dụng cơ chế, chính sách của thành phố để trục lợi. Các trường hợp vi phạm cần phải xử lý nghiêm… Tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân là ngân sách nhà nước, cũng là tiền thuế của nhân dân đóng góp” – ông Hùng tỏ rõ quan điểm.
"Việc hỗ trợ đối với tài sản trên đất thì quy định pháp luật đã rất đầy đủ. Miễn là tài sản hợp pháp sẽ được hỗ trợ đầy đủ, kịp thời. Do đó, huyện Sóc Sơn cần vận dụng chính sách, bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân. Song, trong quá trình thực hiện tránh tình trạng sách nhiễu người dân. Những gia đình phải di dời nhà ở nhiều năm để dành đất cho bãi rác sẽ được thành phố hỗ trợ tối đa để tạo thuận lợi người dân. Quan điểm của Chính phủ và thành phố là không bao giờ để người dân phải “màn trời chiếu đất”, sau khi người dân dành đất cho dự án công ích, thì chính quyền luôn tìm cách để người dân sau tái định cư có cuộc sống tốt hơn – Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nói.
Để đẩy nhanh tiến độ di dời, đền bù giải phóng mặt bằng phạm vi bán kính 500 m tính từ chân tường rào bãi rác, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cử cán bộ của Trung tâm Quỹ đất phối hợp với huyện Sóc Sơn để thực hiện đo đạc, kiểm đếm nhanh hơn. Phương thức “cuốn chiếu” được áp dụng, làm đâu gọn đấy, tránh để kéo dài, người dân phải chờ đợi.
Ông Nguyễn Bình Hùng, người dân tại thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, cho biết, sau cuộc đối thoại, người dân đã nhận thức được sự quan tâm của thành phố về việc giải quyết vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng. Những ý kiến phản hồi của thành phố trong sáng 17/7 đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Về công việc thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, huyện sẽ tập trung lập ra và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ đất ở theo chính sách hiện hành; trong đó, đẩy nhanh tiến độ dự án di dân khỏi vùng ảnh hưởng môi trường từ bán kính 500m. Những kiến nghị đề xuất của người dân phát sinh trong quá trình triển khai dự án, huyện sẽ được tổng hợp, đề xuất thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên tinh thần bảo đảm tốt nhất chế độ, chính sách cho người dân.
- Người dân không còn chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, Hà Nội
- Người dân Sóc Sơn lại chặn đường vào bãi rác Nam Sơn
- Hà Nội: Trồng hoa sữa ở bãi rác Nam Sơn không có hiệu quả ngăn mùi
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội, sau gần 5 ngày người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn ngăn chặn không cho xe chở rác vào khu xử lý chất thải, toàn thành phố tồn đọng gần 10.000 tấn rác thải. Thời gian tới, đơn vị sẽ huy động người và phương tiện để giải phóng nhanh nhất số rác thải đang tồn đọng tại các trạm trung chuyển cũng như ở khu dân cư./.
Mạnh Khánh/TTXVN
Tags