|
"Sở đã nhiều lần ý kiến và tiếp tục đề nghị UBND TP không tiếp tục cấp phép thêm cho các cao ốc, nhà hàng tập trung đông người ở khu vực trung tâm làm ảnh hưởng tới giao thông" Ông ĐẬU AN PHÚC |
- Tính tới cuối tháng 1-2012, TP.HCM có khoảng 5,6 triệu phương tiện cá nhân, trong đó có hơn 5 triệu xe hai bánh. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân năm 2011 là 13%, tương đương 637.000 xe. Vì vậy, việc áp dụng các giải pháp đồng bộ để giảm sự gia tăng xe cá nhân và trả lại lòng đường, vỉa hè cho lưu thông là biện pháp cần làm ngay.
* Cụ thể là giải pháp nào, thưa ông?
- Trong số các giải pháp đồng bộ, có hai giải pháp Sở GTVT đang nghiên cứu là hạn chế ôtô vào khu vực trung tâm TP và thí điểm cấm xe trên một số tuyến đường. Dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP đã hoàn thành nghiên cứu khả thi và Sở GTVT đã trình UBND TP xem xét. Dự án này phải đầu tư máy móc, hệ thống điều hành... nên đòi hỏi phải có thời gian để thực hiện. Sở GTVT đánh giá giải pháp thu phí ôtô vào trung tâm TP là khả thi, một số nước như Singapore đã thực hiện thành công.
* Còn việc cấm xe lưu thông ở một số tuyến đường?
- Việc cấm một số loại xe trên một số tuyến đường có thể trong quý 4-2012 sẽ đưa vào thí điểm tại các quận trung tâm TP. Một số giải pháp khác như quản lý phương tiện đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe (COE), tăng các loại phí liên quan đến đăng ký mới và lưu hành phương tiện... cũng đang được đề xuất thí điểm thực hiện ở TP.HCM.
* UBND TP chỉ đạo Sở GTVT chủ trì rà soát các điểm đỗ xe trên lòng lề đường có thu phí, việc này được thực hiện ra sao?
- Sở GTVT đang tập hợp báo cáo rà soát của các quận huyện, trong đó các quận trung tâm như 1, 3, 5... đã có báo cáo rất chi tiết. Sở GTVT sẽ phối hợp với từng quận huyện để rà soát và điều chỉnh, trong đó Q.1 đã thực hiện được một số tuyến đường. Lần rà soát này không chỉ bao gồm các tuyến đường cho phép đậu ôtô dưới lòng đường thu phí mà cả những vị trí giữ xe trên vỉa hè do các quận huyện bố trí. Chúng tôi dự kiến xóa bỏ khoảng 50% tuyến đường được đậu xe thu phí ở lòng đường và hơn 50% điểm giữ xe trên vỉa hè. Về lâu dài sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè để đậu, giữ xe.
* Việc xóa bỏ một số lượng lớn bãi giữ xe như vậy liệu có làm xáo trộn đời sống của người dân?
- Đây là việc làm thường xuyên, không phải bây giờ mới làm và không phải làm cùng lúc, Sở GTVT sẽ phối hợp với từng quận huyện để xóa bỏ dần. Trước mắt, trong quý 1, chậm nhất đầu quý 2-2012 chúng tôi sẽ thực hiện ở những tuyến đường có mật độ lưu thông lớn, sau đó mới đến các tuyến đường khác.
Đồng thời với việc xóa bỏ các điểm dừng, đậu xe, Sở GTVT còn phối hợp với các quận huyện mở các điểm giữ xe mới tại các vị trí hợp lý để giải quyết nhu cầu của người dân. Chúng tôi sẽ lắp bảng hướng dẫn tài xế ôtô vào gửi xe trong các cao ốc, theo quy định các cao ốc khi xây dựng phải dành một phần diện tích cho đỗ xe công cộng.
* Nhưng phí đậu xe tại các cao ốc quá cao?
- Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở Tài chính để trình UBND TP điều chỉnh mức phí giữ xe cho phù hợp với tình hình thực tế.
* Tại sao TP.HCM không đẩy nhanh các dự án xây dựng bãi giữ xe mới?
- Đúng là dự án xây dựng các bãi giữ xe ngầm tại TP.HCM đang chậm tiến độ. Quan điểm của Sở GTVT là tạo điều kiện giải quyết mọi vướng mắc để các dự án này sớm đưa vào hoạt động. TP.HCM đã quy hoạch các bãi giữ xe ngầm và nổi tại các khu vực. Khi các bãi giữ xe này đi vào khai thác mới có thể chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để đậu, giữ xe.
* Trách nhiệm của Sở GTVT ở đâu trong việc TP cấp phép xây dựng cho nhiều cao ốc tại khu vực trung tâm khiến tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng?
- Năm 2009, khi tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM trở nên nghiêm trọng, UBND TP đã họp đột xuất và có kế hoạch yêu cầu rà soát các cao ốc, điểm tập trung đông người... và yêu cầu các đơn vị cấp phép phải tham khảo ý kiến Sở GTVT xem việc xây dựng cao ốc đó có phù hợp? Tuy nhiên, nhiều đơn vị liên quan sau khi xây dựng mới xin ý kiến của Sở GTVT.
6 giải pháp giảm ùn tắc Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã ban hành kế hoạch ngăn chặn, đẩy lùi ùn tắc giao thông trên địa bàn TP trong năm 2012. 1. Lập lại trật tự, kỷ cương đường phố: thực hiện nghiêm chủ trương vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông. Tập trung kiểm tra, thu hồi giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, đậu xe không còn phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 2. Tiếp tục bố trí lệch giờ làm việc, học tập. 3. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông. 4. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, đảm bảo khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu. 5. Nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng. 6. Hạn chế sự phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân. Giãn dân, phát triển giao thông công cộng TP.HCM hiện đang theo đuổi mô hình hạn chế xe cá nhân của Singapore nhưng đó là một đảo quốc, một thành phố trong một nước nên không có những đặc điểm về giao thông giống như TP.HCM. Với đặc điểm riêng của TP, chúng ta không thể đi bằng giải pháp hạn chế hoặc cấm xe cá nhân vì chúng ta chưa có hệ thống giao thông công cộng tốt. Nền kinh tế của các TP lớn ở VN đang trong quá trình chuyển đổi, người dân phải đi lại nhiều lần, tới nhiều địa điểm trong một ngày nên nếu đặt nặng vấn đề hạn chế xe cá nhân là không nhắm đúng mục tiêu và nguyện vọng của người dân. Tôi cho rằng bên cạnh giải pháp quy hoạch, xây dựng ngay các đô thị vệ tinh để giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm, TP.HCM cũng cần thực hiện ngay các giải pháp mạnh để phát triển giao thông công cộng và phải xem đây là giải pháp chính, giải pháp lâu dài để giải quyết tận gốc căn nguyên của ùn tắc giao thông. PGS.TS PHẠM XUÂN MAI (Trường đại học Bách khoa TP.HCM) |