Trong các múi giờ cao điểm, máy bay cũng phải xếp hàng trên không chờ đến lượt hạ cánh
Việt Nam hiện đang khai thác 21 sân bay lớn nhỏ và trải dài trên vùng lãnh thổ, tuy nhiên tình hình tắc đường hàng không đã xảy ra ở 2 cảng lớn và quan trọng nhất là sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Ông Lại Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Tắc đường hàng không ở đây phải được hiểu là sự ùn tắc xảy ra trong những giờ cao điểm”.
Hiện các múi giờ cao điểm của Sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài tập trung vào gần trưa, đầu giờ chiều, riêng Nội Bài có thêm múi giờ lúc gần đêm (Tân Sơn Nhất rất vắng khách về đêm.
Điều này kể ra cũng dễ hiểu bởi việc rải đều giờ bay trong ngày gặp nhiều khó khăn vì các hãng phải phụ thuộc vào tàu bay, hoạt động hệ thống mạng đường bay trong đó đặc biệt quan tâm chính xác giờ đến và giờ đi.
Theo ông Thanh: “Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới sân bay lớn nào cũng có tình trạng ùn tắc đường hàng không. Sự ùn tắc xảy ra có liên quan rất nhiều đến việc máy bay hạ - cất cánh, năng lực tiếp đón của nhà ga, năng lực thông quan trên không, đường băng, sân đỗ, năng lực thông quan của nhà ga, năng lực phục vụ của đơn vị dịch vụ…”.
Để khắc phục thực trạng này, Cục hàng không Việt Nam đã đưa ra các giải pháp tối ưu hóa hệ thống phương thức bay, ngoài hệ thống đường bay, năng lực điều hành của kiểm sát viên không lưu, kiểm sát viên tại sân đỗ, hệ thống đường băng… nhằm tăng được năng lực khai thác trên cơ sở đảm bảo khai thác tuyệt đối an toàn.
Ông Thanh cho rằng để hạn chế tối đa việc tắc đường hàng không vẫn là việc phối hợp điều tiết giờ cất - hạ cánh hợp lí nhất có thể trong điều kiện hiện nay.
“Các hãng hàng không tự phải có sự khảo sát xem năng lực tiếp nhận của sân bay trong khoảng thời gian một tiếng thì có bao nhiêu chuyến bay đến, bao nhiêu chuyến bay đi, để điều tiết lịch bay của mình” - ông Thanh bày tỏ quan điểm.
Theo Dân Trí