(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 9/7, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm đất đai xảy ra tại thành phố Phan Thiết. 6 bị cáo bị đưa ra xét xử nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết; Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường Phan Thiết cùng các cán bộ, chuyên viên của phòng này do vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Cụ thể, các bị cáo gồm: Trần Hoàng Khôi (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết), Phạm Thanh Thái (nguyên Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường) và Lê Hồ Khải (nhân viên Phòng Tài nguyên và Môi trường) bị xét xử về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo các điểm a, b khoản 3, Điều 229 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Đỗ Ngọc Điệp (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết) và Lê Hoàng Anh Tân (chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường) bị xét xử theo điểm b, c khoản 2, Điều 229 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo Nguyễn Trí (chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết) bị xét xử theo điểm a, b khoản 1, Điều 229 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi khai mạc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã kiểm tra phần lý lịch các bị cáo và những người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan. Hội đồng xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa do vắng mặt 39/88 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan không có lý do và một số luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng vắng mặt tại phiên tòa.
Theo cáo trạng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Phan Thiết, từ tháng 2/2016 đến tháng 12/2018, nhóm 4 bị cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết đã lập nhiều hồ sơ, tham mưu cho phép chuyển mục đích đất trái pháp luật.
Đỗ Ngọc Điệp và Trần Hoàng Khôi là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích trái với kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt. Những bị cáo này đã cố tình cho chuyển mục đích trái pháp luật 132 thửa đất với tổng diện tích hơn 170.000 m2 làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Phan Thiết.
Cụ thể: Bị cáo Đỗ Ngọc Điệp là người trực tiếp ký 32 quyết định cho phép chuyển mục đích với hơn 46.000 m2 đất nhưng lại không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất theo quy định. Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, 32 thửa đất trên trị giá gần 5 tỉ đồng.
Bị cáo Trần Hoàng Khôi là người ký 100 quyết định cho chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở trái pháp luật với tổng diện tích hơn 124.000 m2. Bị cáo Khôi ký các quyết định trên là cố ý bởi biết rất rõ các căn cứ, trình tự, thủ tục. Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, 100 thửa đất nông nghiệp trên trị giá hơn 8,6 tỉ đồng.
Bị cáo Phạm Thanh Thái đã không thực hiện đúng các quy định về pháp luật đất đai như 32 hồ sơ chuyển cho bị cáo Đỗ Ngọc Điệp ký đều không có văn bản thẩm định. Đối với 97/100 hồ sơ chuyển cho Trần Hoàng Khôi ký có 76 hồ sơ được Phòng Quản lý đô thị thông báo vị trí thửa đất đối chiếu với quy hoạch chưa đúng. 129 hồ sơ mà Thái ký tờ trình đề nghị hai bị cáo Điệp và Khôi cho phép chuyển mục đích trái pháp luật có diện tích 169.000 m2, theo định giá là hơn 13 tỉ đồng.
Bị cáo Nguyễn Trí được giao thẩm định 13 hồ sơ xin chuyển mục đích hơn 18.000 m2 đất. Trí đã tham mưu trái pháp luật dẫn đến cấp trên ra các quyết định chuyển mục đích không đúng quy định, theo định giá là gần 2 tỉ đồng.
Bị cáo Lê Hoàng Anh Tân là người trực tiếp thẩm định và tham mưu cho Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường ký 60 tờ trình. 60 thửa đất này có tổng diện tích hơn 45.000 m2 được chuyển đổi mục đích trái pháp luật trị giá hơn 3,5 tỉ đồng.
Bị cáo Lê Hồ Khải là người chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ và tham mưu cho Trưởng phòng ký 59 tờ trình. 59 thửa đất trên có diện tích hơn 100.000 m2, có giá trị gần 8 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý đất đai, đô thị trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Đặc biệt, việc làm này phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt; xâm hại hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước; làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước và lòng tin của nhân dân đối với công tác quản lý đất đai, đô thị tại địa phương.
Nguyễn Thanh/TTXVN
Tags