Sáng ngày 11/4, lực lượng biểu tình áo đỏ thuộc Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) đã tấn công một trung tâm hội nghị ở Pattaya, nơi lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ tổ chức hội nghị. Hơn 1.000 người biểu tình đã đập vỡ các cửa ra vào bằng kính của trung tâm hội nghị và ùa vào tòa nhà, lật đổ bàn ghế, máy dò kim loại, thổi kèn, vẫy cờ Thái và hô to các khẩu hiệu chống ông Abhisit. Họ đều là người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Họ cho rằng Abhisit không do nhân dân bầu ra nên phải từ chức để cuộc bầu cử mới có thể tiến hành.
Những người biểu tình đã gặp phải rất ít sự kháng cự từ các binh lính làm nhiệm vụ bảo vệ khu hội nghị, vốn không mang vũ khí và có ít người. Khi dòng người xô tới, binh lính đã cố gắng đẩy họ lại, nhưng cuối cùng phải chịu khuất phục trước số lượng đông đảo người biểu tình. Hoạt động của người biểu tình buộc chính phủ Thái phải tuyên bố hủy hội nghị. Thủ tướng Abhisit đã xuất hiện trên truyên hình quốc gia và ban bố tình trạng khẩn cấp ở Pattaya. Lệnh khẩn cấp sẽ cho quân đội quyền duy trì thật tự, cho phép nhà chức trách tạm ngừng các quyền tự do dân sự, cấm việc tụ họp quá 5 người và cấm báo chí đăng tải các tin tức có thể gây hoảng loạn trong công chúng.
Hãng tin AP đánh giá tình trạng hỗn loạn ở Bangkok là sự cố gây mất mặt lớn cho Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva. Ông từng tuyên bố sẽ đảm bảo cho hội nghị diễn ra suôn sẻ và đã cố gắng giữ hình ảnh mình là một lãnh đạo bình tĩnh, điềm đạm kể từ khi nắm quyền cách đây 4 tháng.
Nhiều chương trình lớn bị trì hoãn
Hội nghị ASEAN bắt đầu từ hôm 10/4 với một bữa tiệc có sự tham dự của lãnh đạo 10 quốc gia thành viên. Nhưng mọi việc đổ vỡ từ sáng ngày 11/4 khi người biểu tình chặn lối vào khách sạn của một số đoàn đại biểu. Ban tổ chức đã phải trì hoãn, sau đó là hủy bỏ cuộc họp buổi sáng giữa Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và các lãnh đạo ASEAN, cũng như các cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản. Một buổi họp trong bữa sáng giữa ngoại trưởng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng bị hủy bỏ.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Tharit Charungvat, 9 lãnh đạo các quốc gia ASEAN đang ở một khách sạn gần trung tâm hội nghị vào thời điểm người biểu tình xông vào đây. Họ đã được sơ tán an toàn bằng trực thăng từ nóc khách sạn tới sân bay quân sự gần đó và đã rời Thái Lan. "Cuộc họp không thể tiếp tục. Chúng tôi phải cân nhắc vấn đề an ninh của các lãnh đạo. Tình hình đã trở nên quá bạo lực và đây là một mối quan ngại về an ninh của các lãnh đạo" - phát ngôn viên chính phủ Supachai Jaisamuth nói. Tuy nhiên phụ trách báo chí đoàn Philippine Cerge Remonde khi trở về nước đã cho đài truyền hình ABS-CBN hay rằng người biểu tình không đe dọa các đại biểu. "Tôi nghĩ mục tiêu thực sự của họ chỉ là Thủ tướng Thái" - ông nói.
Theo các chuyên gia, việc hủy bỏ hội nghị ASEAN đã phá vỡ cơ hội để lãnh đạo 16 quốc gia, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, bàn thảo phương thức chống tình trạng suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng mạnh tới các nền kinh tế ở châu Á. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đánh giá nó còn làm trì hoãn việc ký kết Thỏa thuận Đầu tư ASEAN - Trung Quốc cũng như các vấn đề lớn khác mà thế giới đang đối mặt như an ninh thực phẩm, năng lượng và quản lý thảm họa.
Tái họp trong tháng 8?
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayagorn cho hay ông hy vọng hội nghị có thể được tổ chức lại trong vài tháng tới và "sẽ sớm có các biện pháp cứng rắn" để đối phó với lực lượng biểu tình. Tờ Nation của Thái Lan dẫn nguồn tin Bộ Thương Mại nước này nói rằng hội nghị có thể diễn ra trong tháng 8 tới. Tuy nhiên liệu hội nghị tới có diễn ra suôn sẻ hay không, chẳng ai có thể biết trước bởi lực lượng biểu tình tuyên bố họ sẽ còn tiếp tục đấu tranh. "Chúng tôi đã thắng. Chúng tôi đã ngăn chặn hội nghị" - Jakrapob Penkair, một trong những lãnh đạo lực lượng biểu tình, tuyên bố tại thủ đô Bangkok - "Nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu. Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình ở Bangkok cho tới khi Abhisit từ chức.
Hiện tại vụ việc đã gây nên tình trạng căng thẳng tại Thái Lan, nơi lực lượng chống chính phủ ngày càng đông, có lúc đã lên tới 100.000 người tuần hành ở Bangkok. Giới quan sát lo ngại việc này sẽ làm tăng nguy cơ bạo lực và xung đột giữa quân đội với người biểu tình. "Tình hình đã hoàn toàn đi khỏi tầm kiểm soát. Bạo lực và đổ máu là khả năng rất có thể xảy ra. Đất nước này đã quá chia rẽ và nó sẽ đi tới điểm không thể đảo ngược" - ông Charnvit Kasetsiri, một sử gia và là cựu hiệu trưởng Đại học Thammasat ở Bangkok nhận xét
Gia Bảo