(TT&VH) - Trước đây, người phương Tây thường gọi Sài Gòn là hòn ngọc của vùng Viễn Đông. Cùng với thời gian, TP.HCM ngày nay vẫn là một thành phố năng động, nhộn nhịp ở khu vực Đông Nam của châu Á. Quá nửa cư dân của thành phố gần 8 triệu người hôm nay là trẻ tuổi và họ cho thấy một sức mạnh để đưa con tàu Việt Nam vươn lên trong khu vực.
Khi mới đặt chân đến TP.HCM cái cảm nhận đầu tiên là sự ồn ào, năng động của một thành phố trẻ. Hơn 10 năm trước, hầu như các khu đô thị như Nam Sài Gòn, An Phú - An Khánh, khu Trung Sơn... vẫn còn vắng vẻ, nay đã rất đông đúc với mạng lưới giao thông thuận tiện. Khó ai tin được một khu đô thị kiểu mẫu ở Việt Nam lại được xây dựng trên vùng đất xưa kia chỉ có cỏ lác, nay chính cư dân TP đến tham quan Phú Mỹ Hưng cũng có cảm giác như lạc vào một miền đất ở trời Âu.
Một góc trung tâm thành phố - Nguồn: Tuanvietnam |
Diện mạo của TP đang thay đổi nhanh chóng, hệ thống giao thông của TP được người Pháp thiết kế cho khoảng 1,5 - 2 triệu dân xưa kia đã không thể gánh nổi sức trẻ của TP 8 triệu người hôm nay nữa. Những con đường mới như đại lộ Đông - Tây giống như dải lụa mềm mại chạy xuyên tâm TP rất đẹp mắt nếu bạn quan sát về đêm. Hầm vượt sông Sài Gòn sẽ hoàn thành trong năm nay được xem như một công trình lớn nhất khu vực Đông Nam Á cũng nằm trên đại lộ này. Niềm vui của người dân TP như được nhân đôi, khi đúng ngày độc lập của 36 năm sau, TP lấy tên vị lãnh đạo được nhiều người dân yêu mến - Võ Văn Kiệt - để đặt tên cho con đường mới mở này. Thế là từ nay đại lộ Đông - Tây dài hơn 13km từ Q.1 đi huyện Bình Chánh có tên là đại lộ Võ Văn Kiệt.
Ông Hoàng Văn Nông, một cựu chiến binh quê Nam Định từng tham gia giải phóng miền Nam năm 1975 khi mới đây được trở lại TP.HCM đã rất bỡ ngỡ và không thể nhận ra những con đường mà 36 năm trước ông đã đến. Ông Nông cho biết, ngày đó cây cầu Sài Gòn là lối vào trung tâm duy nhất nằm ở phía Đông, sao nay có đến 2 cây cầu thật khó nhận ra.
TP.HCM vừa là đầu tàu kinh tế của đất nước, vừa là địa phương đi đầu về cải cách giáo dục, y tế và đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo. Rất nhiều bạn bè tôi ở Hà Nội khi tới TP.HCM điều đầu tiên là tham quan những di tích nổi tiếng xưa kia như bến Nhà Rồng (nơi mà 100 năm trước, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước), dinh Độc Lập, chợ Bến Thành... Nhưng có một điều đặc biệt là thưởng thức ca nhạc ở những phòng trà, một nét đặc trưng mà chỉ có ở Sài Gòn. Hầu hết các phòng trà ở trung tâm TP đêm cuối tuần đều rất đông khách đến giải trí. Các sân khấu kịch cũng vậy.
Sài Gòn 300 năm qua và TP.HCM hôm nay có những giá trị văn hóa trường tồn cùng thời gian và làm nên nét đặc trưng của thành phố này. Nhiều kiều bào ở hải ngoại đang trở về đất mẹ Việt Nam làm ăn mà tôi tiếp xúc đều có một suy nghĩ “dù có ở nơi đâu họ cũng là người Việt Nam, nên cái mong muốn lớn nhất của họ là đất nước hòa bình, phồn thịnh”.
Thái Nguyên