Khảo sát động đất bất thường ở Quảng Nam: Không lo vỡ đập thủy điện

Thứ Năm, 01/12/2011 13:35 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Những ngày qua, tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra động đất kèm tiếng nổ khiến người dân hết sức hoang mang lo lắng. Gần đây nhất là khuya ngày 27/11, tại thị trấn Trà My và các xã Trà Tân, Trà Đốc khi người dân chuẩn bị đi ngủ thì mặt đất bị rung lắc mạnh kèm theo hàng loạt tiếng nổ phát ra từ lòng đất.

Trước tình hình đó, ngày 28/11 UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Bộ KHCN và Viện KHCN Việt Nam thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra hiện tượng động đất tại Bắc Trà My, nêu giải pháp để UBND tỉnh có hướng đối phó với hiện tượng trên giúp người dân an tâm, ổn định cuộc sống.

2 nguyên nhân của động đất và tiếng nổ

TS Lê Huy Minh: “Khả năng động đất kích thích làm vỡ đập, về lý thuyết là không xảy ra”.

Từ tháng 1/2011, tại huyện Bắc Trà My đã có những rung chấn nhẹ. Đến tháng 6/2011 rung chấn bắt đầu mạnh dần, đặc biệt tối 16/11 đến rạng sáng 17/11, liên tiếp phát ra nhiều tiếng nổ lạ từ trong lòng đất. Mức độ tiếng nổ nhiều hơn, lớn hơn, độ rung chuyển mạnh hơn và diễn ra nhiều lần hơn, làm vật dụng trong nhà một số hộ dân bị rung chuyển, đổ vỡ. Theo phản ánh của người dân tại xã Trà Đốc, một số nhà bị rạn nứt sau khi có hiện tượng trên.

Ngày 30/11, TT&VH đã có cuộc trao đổi với TS Lê Huy Minh, GĐ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu, Viện KHCN Việt Nam). Tiến sĩ Lê Huy Minh cho biết, ngay trong ngày 30/11 Viện KHCN Việt Nam đã cử một đoàn công tác vào huyện Bắc Trà My để khảo sát, đo đạc tìm nguyên nhân gây ra tiếng nổ và động đất tại địa phương này.

Theo thống kê cụ thể của Viện Vật lý địa cầu, trong 10 ngày qua, tại Bắc Trà My đã xảy ra 3 trận động đất. Các trận động đất này đã gây ra rung động nền đất, kèm theo tiếng nổ ở khu vực gần chấn tâm. Theo phán đoán của các chuyên gia của Viện, có thể có cả hai nguyên nhân gây động đất, do hoạt động kiến tạo và do động đất kích thích. Động đất kiến tạo có nguồn gốc tự nhiên, còn động đất kích thích được hiểu là do tác động của hồ chứa mà cụ thể là hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Còn tiếng nổ thì ở đâu ra? TS Lê Huy Minh lý giải, không phải trận động đất nào cũng gây tiếng nổ, những trận động đất ở độ sâu không lớn lắm mới thường gây nên tiếng nổ kèm theo. Các ghi nhận ở huyện Bắc Trà My cho thấy, chấn tiêu của các trận động đất trên đều nằm ở độ sâu 3km đến 5 km. Đây là khoảng cách khá nông so với phần lớn các trận động đất kiến tạo đã quan sát được trên lãnh thổ Việt Nam.

Khi nào hồ thủy điện gây động đất?

Những trận động đất nông có thể là động đất kích thích, xảy ra sau khi hồ thủy điện tích nước đi vào hoạt động. Bởi theo nghiên cứu, các trận động đất kích thích do xây dựng đập thủy điện xảy ra khi hội đủ 3 điều kiện: thứ nhất là vị trí của đập nằm trong khu vực có đới đứt gãy hoạt động; thứ hai là độ cao của đập (thường từ 80m trở lên) và thứ ba là dung lượng của hồ đập phải lớn hơn 1 tỷ m3.

Hiện tượng xảy ra do ở điều kiện bình thường khi chưa tích nước, đất đá nằm trong trạng thái ứng suất nhất định. Khi hồ chứa tích nước được một thời gian, làm biến đổi ứng suất lộ rỗng của đất đá trong đới đứt gãy đó, nước sẽ thấm vào đới đứt gãy này làm thay đổi ứng suất vỏ trái đất của khu vực đó nên xảy ra động đất kích thích.

Cống dẫn dòng tích nước nhà máy thủy điện Sông Tranh 2

Không nên quá lo lắng

Tuy nhiên, TS Lê Huy Minh nêu rõ, đó mới chỉ là phán đoán ban đầu, để có kết luận cụ thể vẫn cần phải xem xét chi tiết hoạt động động đất ở khu vực này trong thời gian trước khi tích nước hồ chứa. Ngoài ra, cần có những khảo sát chi tiết và quan trắc bổ sung về hoạt động động đất trong khu vực từ một mạng lưới trạm quan trắc động đất. Đồng thời cần có thời gian để đoàn công tác của Viện KHCN Việt Nam với các thiết bị máy móc quan sát và nghiên cứu về mặt địa chất để khẳng định chính xác trận động đất có phải do tác động của hồ thủy điện hay không.

Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đặt tại xã Trà Đốc và Trà Tân, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 2.448 ha với tổng số vốn hơn 4.150 tỷ đồng, có 2 tổ máy tổng công suất là 190MW, sản lượng điện bình quân hằng năm 679,6 triệu kWh.

Đây là nhà máy thủy điện thứ ba trong hệ thống các nhà máy thủy điện bậc thang thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Để xây dựng nhà máy này, 991 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu đã phải di dời.

TS Nguyễn Huy Minh khẳng định nếu nguyên nhân động đất do hồ thủy điện thì cũng không lo nguy cơ vỡ đập hồ chứa, bởi trong các nghiên cứu, khảo sát đã tiến hành để phục vụ xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2, các đứt gãy đều được Viện Vật lý địa cầu đánh giá và đặt khả năng phát sinh động đất cực đại với độ lớn 5,5 độ Richter. Vì vậy các trận động đất với cường độ như ở vừa qua sẽ không có khả năng gây ra thiệt hại cho công trình thủy điện cũng như người dân sống gần khu vực thủy điện.

Trước đây, ở nước ta cũng đã từng xảy ra động đất kích thích ở hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La, nhưng không gây thiệt hại. Tuy nhiên, TS Minh nêu rõ, vẫn cần khảo sát, đánh giá cụ thể hơn về các trận động đất kích thích này nhằm cảnh báo cụ thể, kịp thời để người dân đỡ hoang mang, lo lắng.

Tử Yến - Phương Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›