(Thethaovanhoa.vn) - Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên các nhà thầu trong nước đủ năng lực. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài phải là những nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, có uy tín được kiểm chứng; không để xảy ra tình trạng đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong phần phát biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực giao thông vận tải, chiều 5/6.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Nhà nước đã dành nhiều ngân sách và huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, hệ thống hạ tầng giao thông đã có sự phát triển nhanh chóng, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến vận hành chính thức từ tháng 4/2019
- Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ kết nối với các tuyến đường Hà Nội như thế nào?
Thời gian qua, trong lĩnh vực của ngành Giao thông nổi lên một số vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; giải quyết các nút thắt cho các vùng các địa phương và quốc gia; về vấn đề xử lý các tồn tại của các dự án đầu tư theo hình thức BOT đường bộ, đường hàng không; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông...
Theo Phó Thủ tướng, hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay chất lượng còn thấp, kết nối thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắt cần phải giải quyết. "Về đường bộ có 295.000 km nhưng chúng ta chỉ mới có 977 km cao tốc, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hệ thống đường sắt Việt Nam được xây dựng cách đây cả trăm năm rất cũ kỹ, lạc hậu, thiếu an toàn. Hệ thống sân bay cảng biển đã có bước phát triển, nhưng tình trạng quá tải tại một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang gia tăng. Giao thông đường thủy nội địa chưa được khai thác hiệu quả. Việc kết nối các loại hình giao thông với nhau cũng như kết nối với các khu vực kinh tế, đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ..." - Phó Thủ tướng cho biết.
Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội rất bức xúc về tình trạng quản lý đầu tư xây dựng các công trình ngành giao thông còn nhiều hạn chế yếu kém: Tình trạng tăng vốn, đội vốn ở những công trình trọng điểm; nhiều công trình chậm tiến độ; chất lượng công trình thấp; việc quản lý đầu tư vận hành khai thác các dự án BOT giao thông còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân; còn nhiều lo ngại về lựa chọn nhà đầu tư kém năng lực...
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là phải khắc phục những hạn chế, yếu kém như các đại biểu Quốc hội đã chất vấn. Trong đó, trước hết phải đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành giao thông đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, cũng như các dự án đang dở dang, các dự án đối tác công - tư.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn; sớm đưa vào vận hành thương mại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam và sân bay Tân Sơn Nhất...
Ngoài ra, Chính phủ tập trung giải quyết những tồn tại bất cập trong các dự án BOT giao thông đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích của người dân; kiên quyết không đầu tư các dự án mới tại các tuyến độc đạo.
Liên quan đến đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng đánh giá, đây là khu vực rất quan trọng đến đảm bảo lương thực cho cả nước và an ninh lương thực toàn cầu, có đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước nhưng hệ thống hạ tầng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, nút thắt.
Theo Phó Thủ tướng, ngoài những nội dung đã báo cáo thì nút thắt lớn nhất là kết nối giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long với vùng Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép - Thị Vải. Sắp tới, phải giải quyết 3 nút thắt chính là: tuyến đường bộ Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, về đường thủy là kênh Chợ Gạo, tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh -Cần Thơ; cùng với đó là các nút thắt trong nội vùng sẽ được ưu tiên đầu tư, tháo gỡ trong giao đoạn 2021 - 2030.
Kết luận phần chất vấn về lĩnh vực giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, giao thông vận tải có vai trò như mạch máu của nền kinh tế gắn với sự phát triển của đất nước cũng như ở mỗi địa phương, vùng miền. Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giao thông là rất lớn.
"Tuy nhiên, thực tế nguồn lực của đất nước có hạn, do đó để đạt được kết quả tốt nhất, cần có chiến lược phát triển phù hợp, phát huy được hiệu quả các nguồn lực; triển khai đồng bộ, đúng quy định của pháp luật đối với các dự án công trình đã được các vị đại biểu đề cập cụ thể" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương làm tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ được giao.
TTXVN
Tags