(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 30/12, phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng đã nêu ra những thành quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển.
Dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và 11 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu trực tuyến.
Đạt được những mục tiêu tưởng chừng khó đạt được
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số vấn đề lớn là nguyên nhân, hệ quả của những gì đạt được hôm nay cũng như năm 2020 và xa hơn.
Theo đó, những thành quả kinh tế-xã hội có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển. Đó là quy mô càng lớn càng khó có thể tăng trưởng nhanh: Điều này đã không đúng. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD.
“Tôi xin khẳng định điều này cho thấy quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không thể đạt được”, Thủ tướng nói.
Chứng minh việc phải chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô chưa hẳn đúng, Thủ tướng nêu rõ, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư, tỉ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD – những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.
Thủ tướng cũng chỉ ra không phải lúc nào cũng đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng, giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững. Các mô hình tăng trưởng trước đây cho thấy để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, chất lượng tăng trưởng thường bị giảm sút. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Một số quan điểm cho rằng các nước đang phát triển ở giai đoạn tiền công nghiệp hóa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường và xã hội. Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là Kinh tế-Xã hội và Môi trường.
“Rất nhiều địa phương thời gian qua cũng đã lồng ghép 3 trụ cột phát triển này và thực tiễn cho thấy 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà có sự bổ sung cho nhau, cùng hướng đến sự phát triển toàn diện cho đất nước”, Thủ tướng phát biểu. “Nguồn lực có hạn, ưu tiên đô thị thì phải bỏ qua nông thôn và ngược lại: Điều này cũng đã không đúng”.
Theo Thủ tướng, trong khi các thành phố đầu tàu truyền thống vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực, duy trì đóng góp lớn và dẫn dắt nền kinh tế đi lên thì nhiều địa phương khác bắt đầu nổi lên, ngày càng trở thành một nhân tố có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung cả nước. Thực tiễn đã chứng minh, địa phương kém phát triển hơn khi tăng tốc không hề làm suy yếu cơ hội của địa phương phát triển hơn và ngược lại. “Những thành quả kinh tế-xã hội mà chúng ta đã đạt được trong năm 2019 cho thấy: Nông thôn mới và đô thị hóa không phải là câu chuyện lựa chọn, nó là câu chuyện phát triển bền vững và hài hòa theo các nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng thuận, phối hợp của cả hệ thống chính trị; cùng với quyết tâm và sáng tạo vượt khó của hàng triệu công chức, viên chức, cán bộ trong từng xã, huyện, tỉnh, thành phố và Trung ương. Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến từng người dân, từng công chức, viên chức ở mọi vị trí đã tận tụy làm việc trong năm qua.
Đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ hơn 108 triệu người, tăng thêm khoảng 12 triệu người trong vòng 25 năm tới, đồng thời tổng số lao động tăng thêm cần có việc làm là gần 11 triệu người. Trước mắt, năm 2020 chúng ta phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người; tính chung từ nay đến 2025 là gần 5,5 triệu người – tương đương dân số Singapore. Đây sẽ là một thách thức rất lớn mà Chính phủ, chính quyền địa phương phải giải quyết. Tuy nhiên, nhìn ở mặt ngược lại, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm không ai khác hơn chính là nhóm lao động tăng thêm này. Theo Thủ tướng, quan điểm của Chính phủ là cần trao cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp nhiều hơn cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở miền núi, nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm: Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển.
Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta hiện nay là gần 2800 USD (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3000 USD). Ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình cao (theo chuẩn giá 2019 của WB) là 3.996 USD đang ở ngay trước mắt chúng ta; đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao như những năm vừa qua.
Việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045 – cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm. “Vì vậy, năm nào tôi cũng muốn nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”," Thủ tướng bày tỏ. Chính phủ luôn ý thức được chức năng kiến tạo, thúc đẩy, tạo cơ hội tốt nhất và công bằng nhất cho tất cả các địa phương và mọi tầng lớp nhân dân.
Tại Hội nghị, Thủ tướng mong muốn được nghe ý kiến của nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó tập trung đi thẳng vào những thành quả nổi bật và những vấn đề khó khăn, vướng mắc; những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp làm sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2020. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành cần có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà các địa phương nêu.
Gợi mở 9 nhóm vấn đề lớn
Thủ tướng đề nghị thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung Dự thảo các Nghị quyết cho năm 2020 sẽ được trình bày, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn mang tính gợi mở.
Thứ nhất, làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong năm 2019. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.
Thứ hai, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật. Nhất là những chỉ số còn thấp như: Giải quyết phá sản (122/190 quốc gia); khởi sự kinh doanh (115/190 quốc gia); nộp thuế (109/190); thương mại qua biên giới (104/190); bảo vệ nhà đầu tư (97/190).
Thứ ba, khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp các ngành trong năm 2020; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt” v.v…
Thứ tư, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thúc đẩy nền kinh tế số. Hỗ trợ một số địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm, phát triển đô thị theo quy hoạch,…
Thứ năm, quy mô kinh tế số của Việt Nam đã tăng 4 lần trong 5 năm qua và dự báo sẽ đạt 20% GDP trong 5 năm tới. Làm thế nào để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới?
Thứ sáu, cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở Trung ương?
Thứ bảy, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn. Từ thực tiễn địa phương cơ sở cho thấy cần bổ sung giải pháp nào? Nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả nào? Làm thế nào thực hiện thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”? Các chỉ tiêu, kịch bản đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đã phù hợp chưa?
Thứ tám, tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước tương xứng với thách thức của thời kỳ mới như thế nào?
Thứ chín, đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức.
Dẫn lời Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi", Thủ tướng nhấn mạnh, dân tộc ta là con cháu Lạc Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa và đề nghị Hội nghị cùng thảo luận trả lời câu hỏi lớn: Để đưa kinh tế-xã hội Việt Nam vươn cao, chúng ta cần những trụ cánh gì?
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Tags