Kỳ án vụ mua bán đất rừng trái phép ở Bình Phước

Thứ Sáu, 12/12/2008 12:11 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Một vụ mua bán đất rừng trái phép ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã trở thành “kỳ án” sau 3 lần xét xử mà vẫn chưa thể thi hành án được.

Hơn 6 năm trời kiện tụng, cuối cùng tòa tuyên: người xâm canh đất rừng trái phép được quyền quản lý sử dụng hợp pháp?!

Mang đất rừng đi bán

Tháng 2/2002, vợ chồng ông Đoàn Văn Trạm và bà Lê Thị Loan (xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước) làm hợp đồng chuyển nhượng và tặng cho ông Lê Hoàng gần 10ha đất rừng khai phá đã trồng điều, tiêu (8 ha bán, 2ha cho) từ năm 1994… với giá 160 triệu đồng. Sau khi ký kết hợp đồng (không có chứng thực của cơ quan thẩm quyền) ông Lê Hoàng đã giao 140 triệu đồng cho ông Trạm, còn lại 20 triệu đồng đợi khi nào bên bán làm xong thủ tục giấy tờ mới giao hết.


Quá trình giao đất ông Lê Hoàng đã cải tạo trồng mới 6ha cao su và các loại cây điều, tiêu… cải tạo lại ao, hồ để lấy nước tưới, cùng một số công trình khác.

Sau gần 3 năm nhưng ông Trạm vẫn không làm được giấy tờ chuyển quyền sử dụng đất cho ông Lê Hoàng theo thỏa thuận. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, thì mảnh đất này là do vợ chồng ông Trạm, bà Loan khai phá đất rừng, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Thống Nhất quản lý. Đến năm 2000, UBND tỉnh Bình Phước đã có quyết định thu hồi diện tích đất trên thuộc tiểu khu 260, 263 giao cho huyện Bù Đăng, mà trực tiếp là xã Thống Nhất quản lý.

Ông Lê Hoàng cho biết: “Khi mua, tôi hoàn toàn không biết diện tích đất trên là thuộc sự quản lý của rừng phòng hộ hay xã Thống Nhất, mà chỉ biết đất của ông Trạm có trồng một ít cây và căn nhà nhỏ”. Một số hộ dân ở đây cho biết, khu vực này không có ai được giao đất sản xuất hết. Trước năm 2000, đa phần dân nhập cư từ phía Bắc vào đây khai phá trồng sắn, điều, tiêu… vì thế chưa có ai có quyết định cấp đất. Theo người dân, ông Lê Hoàng mua 10ha đất hồi năm 2001 với giá 20 triệu đồng/ha là đắt, vì phần lớn diện tích đất là bỏ hoang.

Hợp thức hóa đất rừng bằng bản án

Tranh chấp nổ ra khi vợ chồng ông Trạm, bà Loan viết đơn khởi kiện xin hủy hợp đồng mua bán đất với ông Lê Hoàng vào ngày 9/6/2004, với lý do ông Lê Hoàng không trả nốt số tiền 20 triệu đồng còn lại. Trong khi đó, nghĩa vụ cam kết làm giấy tờ không được ông Trạm nói đến trong đơn.

Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Bù Đăng thụ lý và đưa vụ việc ra xét xử dân sự sơ thẩm ngày 26/1/2005 tuyên hủy hợp đồng mua bán giữa hai bên lập ngày 28/2/2002. Bản án căn cứ vào công văn số 308/CV – UB của UBND huyện Bù Đăng xác định đất này không phải của ông bà Trạm, Loan mà là đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Thống Nhất quản lý, do vậy tài sản không thuộc gia đình ông Trạm bà Loan. Việc mua bán trên là giao dịch trái phép cần hủy hợp đồng và giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ Thống Nhất quản lý.

Ông Lê Hoàng không đồng ý với phán quyết trên, nên đã làm đơn kháng cáo. Đến ngày 18/7/2005, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bình Phước thụ lý xét xử bằng bản án số 41/DSPT chấp nhận một phần kháng cáo của ông Lê Hoàng. Tòa phúc thẩm tuyên xử giao cho ông Lê Hoàng quản lý sử dụng diện tích đất trên và tài sản trên đất do ông Hoàng tạo lập, theo biên bản định giá ngày 15/6/2005. Ông Lê Hoàng có nghia vụ trả cho ông Trạm số tiền hơn 113 triệu đồng và ông Hoàng có nghĩa vụ đi đăng ký quyền sử dụng 10ha đất này.

Căn cứ theo công văn kiến nghị của TAND huyện Bù Đăng, ngày 7/11/2006 TAND tối cao ra quyết định hủy bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT của TAND tỉnh Bình Phước. Ngày 9/9/2008 Tòa phúc thẩm lần 2 xét xử lại, nhưng không triệu tập Ban quản lý rừng phòng hộ Thống Nhất, chính quyền địa phường, người có quyền và nghĩa vụ liên quan… để tham gia quá trình tố tụng. Cuối cùng tòa quyết định tuyên xử hủy hợp đồng mà hai bên giao kết trước đây và hai bên thanh toán tiền theo biên bản định giá lập ngày 5/11/2004 của cấp sơ thẩm, đồng thời giao diện tích đất trên cho vợ chồng ông Trạm bà Loan quản lý sử dụng.

Ngay sau đó, ông Lê Hoàng tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với lý do tòa đã tuyên xử xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của ông, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong 8 năm qua ông Lê Hoàng đã quản lý, sử dụng, tạo lập nhiều tài sản có giá trị lớn, nhưng khi xét xử lại căn cứ bản định giá 4 năm trước để tính, làm thiệt hại nghiêm trọng cho quyền lợi của ông.

Ngày 27/11/2008, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có công văn số 1954/UBTP 12, gửi TAND tối cao, VKSND tối cao đề nghị giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Một số cán bộ huyện Bù Đăng (xin giấu tên) cũng rất bức xúc với việc tòa án tuyên giao 10ha đất xâm canh trái phép kể trên cho vợ chồng ông Đoàn Văn Trạm và bà Lê Thị Loan quản lý, sử dụng. Và sau khi án có hiệu lực thì hành, nhưng cơ quan THA vẫn chưa thể thi hành vì bản án tuyên có nhiều tài sản không có trong bản án.

Thực tế, hợp đồng giao bán đất rừng trên là trái pháp luật. Việc giao đất cho người mang đất rừng đi bán khiến dư luận thắc mắc. Điều mà dư luận mong chờ là rừng phải trở về với “chủ” của mình là Ban quản lý rừng phòng hộ Thống Nhất.  

Thái Nguyên

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›