(Thethaovanhoa.vn) - “Chiến sĩ áo trắng nỗ lực chống dịch COVID-19” là tọa đàm truyền hình trực tuyến do Báo Lao Động tổ chức ngày 26/2 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020) nhằm tôn vinh đội ngũ thầy thuốc – những chiến sỹ áo trắng trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch COVID- 19.
Tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó Trưởng Khoa virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ thông tin về những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID–19, cũng như việc các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy phân lập thành công virus SARS-CoV-2.
Để thực hiện quá trình này, các nhóm nghiên cứu của Viện đã tiến hành trong Phòng An toàn thí nghiệm cấp độ 3 và phải tuân thủ những điều kiện làm việc nghiêm ngặt, những tiêu chuẩn về kỹ thuật, áp suất không khí đặc biệt nhằm kiểm soát, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch.
“Trải qua nhiều dịch cúm như cúm A H5N1…, các nhóm nghiên cứu đã có những kinh nghiệm nhất định. Đối với dịch năm nay, mẫu nghiên cứu lâm sàng đầu tiên của bệnh nhân được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 tại miền Bắc Việt Nam đã được nuôi cấy và phân lập. Ngay từ khi xuất hiện bệnh nhân dương tính đầu tiên, chúng tôi đã cập nhật thông tin của các phòng thí nghiệm trên thế giới để lựa chọn các tế bào cảm thụ thích hợp, từ đó gây nhiễm tế bào và hàng ngày, chúng tôi theo dõi hình thái cũng như sự nhân lên của tế bào. Đến ngày 7/2, sau một tuần xác định ca dương tính đầu tiên, chúng tôi đã xác định được hình thái của virus. Cảm giác thực sự bất ngờ bởi chúng tôi đã thành công trong lần nuôi cấy và phân lập đầu tiên”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lê Khánh Hằng cho biết.
Chia sẻ câu chuyện về chuyến bay đặc biệt sang tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) đưa 30 công dân Việt Nam về nước ngày 10/2, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, hiện nay, những nhân viên y tế, bác sĩ điều trị tiến hành thu dung hay đội ngũ điều dưỡng đều đang nỗ lực vượt qua nguy hiểm và những khó khăn, vất vả để chống dịch.
“Trong bối cảnh mọi người đều lo lắng đổ đến bệnh viện khám chữa bệnh, hệ thống dự phòng hoạt động rất vất vả. Tuy nhiên hệ thống vẫn hoạt động, gắn kết, hiệu quả. Đây là kinh nghiệm, là thử thách đối với chúng ta. Dựa trên những thành công ban đầu đã có, chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh. Cộng thêm những kiến thức mà chúng ta đã có và nỗ lực của ngành Y tế, chúng ta sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh”, Bác sĩ Trần Văn Bắc khẳng định.
Tại Tọa đàm, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thông tin về cuộc chiến chống dịch tại tỉnh Vĩnh Phúc- địa phương có 11/16 ca nhiễm COVID-19 của cả nước; chia sẻ việc yêu cầu tăng cường thêm bác sĩ thuộc các bệnh viện của bộ, ngành, bệnh viện tỉnh để hỗ trợ chuyên môn tại các trạm y tế ở Bình Xuyên, phối hợp với lực lượng chức năng tại 12 chốt kiểm tra ở xã Sơn Lôi của huyện để thực hiện giám sát, theo dõi sức khỏe người dân, hướng dẫn chính quyền và người dân các biện pháp phòng chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh cho biết, Bình Xuyên là huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc với 13 xã, Trung tâm y tế huyện là trung tâm y tế hạng 3, đa chức năng với 200 giường bệnh. Xã Sơn Lôi có 11.000 nhân khẩu và 33.000 hộ dân.
“Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Tỉnh cũng chỉ đạo hỗ trợ nhân lực cán bộ cho 12 chốt. Về chuyên môn, các đơn vị tuyến tỉnh cũng hỗ trợ giúp chúng tôi giảm áp lực rất nhiều. Qua đợt này, chúng tôi cũng học hỏi được công tác phòng chống dịch”, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh cho biết.
Hạnh Quỳnh/TTXVN
Tags