(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết nguyên đán cổ truyền. Và một lần nữa, những tranh cãi về việc có nên bỏ Tết ta hay không lại nổ ra, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.
- Giới trẻ Hà thành thích thú với không gian tết xưa
- Khủng khiếp: Biển người Trung Quốc di cư về quê ăn Tết
- NSND Kim Cương vận động được hơn 1 tỷ đồng 'sắm tết' cho nghệ sĩ nghèo
Vài ngày trở lại đây, vấn đề bỏ phong tục ăn tết cổ truyền theo âm lịch một lần nữa trở thành chủ đề nóng trên nhiều trang mạng xã hội. Nổi bật nhất là quan điểm của 2 người trẻ tuổi. Nữ doanh nhân, nhà văn trẻ Tuệ Nghi cho rằng: Tết cổ truyền đúng là Tết sum họp của người Việt nhưng nó không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay.
Tết nguyên đán luôn có vị trí quan trọng trong tâm thức người Việt. Ảnh: TL
Hay anh Trần Mạnh Hiệp – người sáng lập diễn đàn công nghệ nổi tiếng thì khẳng định: "Ngày nay văn hoá và cuộc sống có nhiều thay đổi nên chúng ta có cái Tết mới cũng là điều bình thường. Vừa giữ được nét văn hóa tâm linh vừa phù hợp với cuộc sống thực tế".
Thực ra, câu chuyện nói trên không hề mới. Cách đây hơn 10 năm, GS.TS, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân được xem là người nổ phát súng khơi mào những tranh luận xoay quanh việc cần sớm gộp tết ta với tết tây, tức ăn Tết theo dương lịch, giống như Nhật Bản đã thực hiện từ năm 1873.
Cho tới nay, kết quả của những tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, phần đông ý kiến vẫn nghiêng về việc giữ gìn tết cổ truyền – bởi nó là một sinh hoạt văn hóa tinh thần đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc. Giá trị của nó nằm ở khía cạnh tinh thần, chứ không phải mâm cao cỗ đầy.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: "Tôi thấy những ý kiến về việc bỏ Tết là hơi sai lầm. Với người trẻ có thể do họ chưa hiểu hết về ý nghĩa thực sự của phong tục này. Với người trưởng thành mà có suy nghĩ này thì càng không ổn. Giá trị cốt lõi của ngày tết nguyên đán là ở khía cạnh tinh thần. Đó là niềm vui đoàn tụ, là thời khắc giao thừa chuyển giao từ năm cũ sang năm mới của đất trời, mà ở đó con người đặt niềm tin và kì vọng vào tương lai tốt đẹp hơn. Tết còn là sự trở về với nguồn cội, nơi mỗi cá nhân nhận thức mình là ai, sinh ra từ đâu và lớn lên như thế nào".
Có khá nhiều lí do mà một số người đã đưa ra để lí giải cho ý kiến nên gộp tết tây với tết ta. Ví dụ như: số lượng người chết vì tai nạn giao thông trong 1 tuần nghỉ tết tăng đột biến mà nguyên nhân chủ yếu là do uống rượu bia không kiểm soát, hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ, diễn ra khắp cả nước trong tháng giêng gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc cho toàn xã hội. Thời gian nghỉ quá dài khiến cho giao thương với nước ngoài bị ảnh hưởng…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng bỏ tết là sai lầm. Ảnh: TL
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng ta không thể đổ lỗi những hệ lụy này là do Tết cổ truyền gây ra. Vấn đề nằm ở chính tư duy và văn hóa ăn Tết của người Việt đang có nhiều biểu hiện kém văn minh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Nhiều nước khác ở Châu Á vẫn ăn tết cổ truyền mà họ có như chúng ta đâu. Không thể vì những hệ lụy mà cho đó là do tết cổ truyền rồi bỏ tết. Điều chúng ta cần thay đổi là nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình về văn hóa ăn tết. Tự chúng ta làm chúng ta mệt mỏi…".
Một phong tục, tập quán – sở dĩ có thể tồn tài hàng ngàn năm lịch sử, qua mọi thăng trầm biến thiên của dân tộc là do bản thân nó chứa đựng những giá trị quý có tính bản sắc – Hồn Việt. Tết Nguyên Đán là một phong tục như vậy. Dù cuộc sống có hiện đại, bộn bề, nhiều phong tục ăn Tết ít nhiều phai nhạt đi và thậm chí là thay đổi hoàn toàn khác. Nhưng thiết nghĩ, nhiệm vụ của chúng ta là cố gắng lưu giữ những vốn quý, tìm cách để làm nó đẹp hơn, văn minh hơn, trước khi đặt ra câu hỏi lạnh lùng: giữ hay bỏ một di sản văn hóa và cha ông để lại!
Viết Hùng – Tuấn Anh
Youtube Thể thao & Văn hóa
Tags