Lần đầu có hội chọi dê của đồng bào Mông tại Hà Nội

Thứ Ba, 21/04/2015 16:03 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 21/4 cho biết: Từ ngày 28/4 đến hết ngày 3/5, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế lao động (1/5). Đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao đến từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn và huyện Ba Vì (Hà Nội) sẽ tham gia các hoạt động và giao lưu với du khách.

Trong hoạt động diễn ra tại đây sẽ có: Hội chọi dê của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Hà Giang; chợ vùng cao phía Bắc (với khoảng 30 gian hàng giới thiệu, bày bán sản vật địa phương, ẩm thực các dân tộc: thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô sản vật, rượu, măng, miến, rau củ quả tươi, chế tác đồ trang sức dân tộc, các món ăn như thắng cố, mèn mén, thịt dê, thịt ngựa, xôi bảy màu, lợn quay...); giới thiệu trò chơi các dân tộc như: đánh đu, đánh yến, ném còn, đẩy gậy...

Bên cạnh đó, còn diễn ra các hoạt động biểu diễn dân ca, dân vũ, giao lưu văn hóa các dân tộc, trò chơi: hát dân ca, múa hát, trò chơi rồng ấp trứng, đánh quay, leo dây... Triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” trưng bày hơn 60 bức ảnh giới thiệu đời sống văn hóa, sinh hoạt thường ngày, phong tục tập quán và vẻ đẹp của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên.


Hội chọi dê Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: Internet

Đặc biệt, hội chọi dê của đồng bào Mông tỉnh Hà Giang lần đầu tiên sẽ trình diễn trong không gian văn hóa của Làng. Theo đánh giá của tỉnh Hà Giang: Hội chọi dê thường được tổ chức vào mùa xuân, gắn liền với những lễ hội truyền thống như lễ Gầu Tào, lễ Lồng Tồng của người Mông… Hội thường diễn ra ở các xã có truyền thống nuôi dê như xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng… Hội chọi dê không chỉ mang tính giải trí mà còn là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa tâm linh là mang lại may mắn cho những người chăn nuôi.

Những chú dê sau khi thi đấu dù thắng hay thua vẫn tiếp tục về đàn sinh sống, điều này đã khuyến khích tinh thần trách nhiệm bảo vệ vật nuôi của bà con. Hội chọi dê cũng là nơi đồng bào gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nuôi dê, chăm sóc vật nuôi trong nhà, làm tăng thêm tình đoàn kết giữa con người với con người, giữa các dân tộc thiểu số với nhau. Vì vậy, lễ hội chọi dê luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các cấp chính quyền và bà con nhân dân.

Để chuẩn bị cho giải đấu chủ dê đã phải chăm chút cho những con dê của mình suốt một năm, những con dê được chọn phải có tuổi đời 3 năm trở lên, thể lực tốt, thân hình lực lưỡng, có râu dài, sừng cao, giống tốt nhất và phải có nguồn gốc rõ ràng, sống tại địa phương và được các cán bộ thú y thẩm định kĩ lưỡng tuyệt đối không mang dịch bệnh. Từ đó, người dân sẽ chọn ra những con dê to khỏe và đẹp nhất làm con đầu đàn có vai trò bảo vệ đàn dê, duy trì nòi giống.

Một chú dê được chọn phải thực sự to khỏe, có bộ râu dài, sừng to, đủ tuổi. Không quá mạnh mẽ như những cuộc trọi trâu, quyết liệt như những trận đấu ngựa, chọi dê có vẻ nhẹ nhàng nhưng không kém phần hấp dẫn. Những chiến thuật khéo léo, những pha ra đòn đẹp mắt nhưng cũng không kém phần hiểm hóc nhằm thẳng vào đối phương, khiến người xem không thể dời mắt mà tập trung theo dõi tới giây phút cuối cùng. Một điểm đặc biệt ở những trận chọi dê đó là khả năng bị thương của những chú dê là rất thấp, vì vậy nó càng làm cho không khí hội thi thêm vui vẻ và sôi động hơn.

Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Việc tổ chức các hoạt động chợ vùng cao, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, lễ hội, triển lãm ảnh giới thiệu sắc màu văn hóa các dân tộc tại Khu các làng dân tộc nhằm giới thiệu tới du khách những đặc trưng văn hóa dân tộc Việt Nam, nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước và Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).

Thông qua các hoạt động của chủ thể văn hóa làm phong phú hơn các nội dung hoạt động của Khu các làng dân tộc, nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động thường xuyên, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và quảng bá, giới thiệu về Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Thông qua đó, làm phong phú hơn nội dung khai thác vận hành, tổ chức các hoạt động tại Khu các làng dân tộc, đồng thời, nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động thường xuyên tại Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và quảng bá, giới thiệu về “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đối với du khách tham quan có nhu cầu tham quan theo tuyến, điểm, lộ trình hướng dẫn, Ban Tổ chức sẽ giới thiệu các tuyến, điểm tham quan và tổ chức thuyết minh hướng dẫn tham quan kết hợp với giới thiệu các hoạt động trên.

Thanh Giang - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›