(Thethaovanhoa.vn) - Với phương châm phòng hơn chống, chủ động bảo vệ những khu vực không có dịch COVID-19, thời gian qua, mô hình “vùng xanh” tự quản đã được các cấp chính quyền và người dân ở nhiều tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai một cách hiệu quả.
“Vùng xanh” tự quản là cách gọi để chỉ những khu vực chưa ghi nhận trường hợp người dương tính với SARS-CoV-2, được quản lý trực tiếp bởi các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tự nguyện tham gia. Mục tiêu thiết lập các “vùng xanh” tự quản an toàn được xem là một trong những “chìa khóa” để sớm kiểm soát và nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
* Tại Hà Nội, hàng trăm chốt kiểm soát “vùng xanh” đã được thiết lập và đang hoạt động một cách có hiệu quả. Ghi nhận thực tế cho thấy, “vùng xanh” an toàn đang được triển khai hiệu quả ở nhiều quận, huyện như: quận Hoàng Mai, quận Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên… Nguyên tắc hoạt động của “vùng xanh” là chỉ cho phép người sinh sống ở trong “vùng xanh” được ra ngoài đi chợ, đi làm; còn với những người lạ, không tuân thủ biện pháp 5K, không có giấy tờ và lý do chính đáng thì không được vào trong “vùng xanh”. Tham gia hoạt động trực chốt 24/24 giờ là tổ COVID-19 cộng đồng, đại diện chính quyền, đoàn thể, tự vệ dân phố và đặc biệt là những tình nguyện viên, người dân trên địa bàn.
Phường Mai Động, quận Hoàng Mai đã thiết lập những “vùng xanh” đầu tiên - là nơi chưa có người mắc Covid-19 để bảo vệ an toàn cho người dân. Đến nay tại quận Hoàng Mai đã có 14 phường đã thành lập được gần 300 tổ tự quản với 470 chốt “vùng xanh”, trong đó có 260 chốt ở khu dân cư truyền thống và 210 chốt ở các tòa chung cư. Gần 4.000 thành viên tham gia các chốt trực. Các tổ COVID-19 đều được trang bị đầy đủ biển hiệu theo hướng dẫn của Quận ủy cùng các thiết bị bảo hộ phòng, chống dịch.
Từ cách làm sáng tạo của quận Hoàng Mai, Hà Nội đã triển khai “vùng xanh” trên toàn địa bàn thành phố. Tại khắp các khu vực an toàn trong nội đô và khu vực ngoại thành, người dân đều chủ động, sáng tạo lập chốt cứng hoặc chốt mở, bảo đảm an toàn cho khu vực mình sinh sống. Đông đảo người dân đều đồng lòng, vui vẻ, tự nguyện thực hiện các nội quy nhằm bảo vệ sự bình yên trong cộng đồng.
Không chỉ tại nội thành, nơi có mật độ dân cư đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm và lan truyền vi rút trong cộng đồng, khu vực ngoại thành Hà Nội cũng nâng tinh thần phòng, chống dịch lên cao nhất. Là xã đảo duy nhất của Hà Nội chỉ có 2 đường độc đạo ra vào là đường đi bằng thuyền sang trung tâm huyện Ba Vì và đường từ xã qua đập tràn sang tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng người dân Minh Châu, huyện Ba Vì đã đề cao cảnh giác, sớm thành lập của các mô hình ngõ, xóm tự quản, duy trì hoạt động của các tổ COVID-19 cộng đồng…
* Tại TP Hồ Chí Minh, trước diễn biến của dịch bệnh phức tạp, nhiều khu phố, xã, phường, thị trấn ở TP Hồ Chí Minh đã xây dựng, nhân rộng mô hình bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch COVID-19.
Như ở khu phố 1, phường 15, quận Tân Bình có hơn 1.000 hộ, đã chủ động thiết lập chốt bảo vệ “vùng xanh” với sự tham gia tự quản của người dân. Khu phố còn thành lập các tổ COVID-19 cộng đồng với sự tham gia tự nguyện của đảng viên, đoàn thể chính trị tổ chức lập zalo tuyên truyền, thông tin tình hình dịch bệnh, nâng cao ý thức mọi người. Khu phố cũng tổ chức thay phiên nhau đi chợ, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ bà con khó khăn.
Hay xã Phú Mỹ Hưng, Trung Lập Thượng, Thái Mỹ (huyện Củ Chi) đã thành lập 10 chốt bảo vệ “vùng xanh” của huyện Củ Chi, không có ca lây nhiễm. Đạt kết quả này, các lực lượng chức năng, người dân tự nguyện tham gia trực chốt, tuyên truyền mọi người chấp hành 5K về phòng, chống dịch, chung sức bảo vệ “vùng xanh”. Vì vậy, mọi người dân đều tự nguyện chấp hành tốt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ…
Thành phố đặt mục tiêu phong trào mở rộng, nhân rộng “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19. Thành phố xác định giảm cấp độ màu tùy theo từng địa phương để tiến tới “xanh hóa” bản đồ COVID-19 của toàn thành phố, tức là giảm mức nguy cơ từ rất cao trở về mức bình thường mới. Ngày 12/8/2021, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành văn bản hướng dẫn việc thiết lập và bảo vệ vùng xanh trong phòng chống COVID-19. Theo đó, UBND yêu cầu các quận huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện theo "nguyên tắc thiết lập vùng xanh" do TP Hồ Chí Minh ban hành.
* Tại Bình Dương, nơi đang là “điểm nóng” về ca bệnh, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, theo Kế hoạch xây dựng và bảo vệ "vùng xanh" trên bản đồ COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cũng đã đặt mục tiêu bao vây, thu hẹp "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh", tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong.
Theo đó, bốn địa phương ở phía Bắc tỉnh gồm huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng đặt quyết tâm giữ vững và bảo vệ bằng được "vùng xanh" để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm cứ địa, vùng đệm vững chắc cho các địa phương phía Nam. Riêng 4 địa phương ở phía Nam đang còn ở “vùng đỏ” gồm thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, phấn đầu có 100% các phường của 3 thành phố và 1 thị xã sẽ kiểm soát được tình hình và thực hiện "xanh hóa" trên toàn địa bàn sau 30/8/2021.
* Tại Đồng Nai, người dân ở nhiều địa phương cũng đã chủ động lập các chốt chặn tại khu vực sinh sống, bảo vệ “vùng xanh” không để dịch COVID-19 xâm nhập. Tại một số phường trên địa bàn thành phố Biên Hòa như Hòa Bình, Thanh Bình, Hóa An, Tân Phong, Bình Đa… ở những khu vực chưa có dịch COVID-19, người dân tự căng dây, lập chốt, có bảng nội quy ra vào và có người canh chốt.
Bảng nội quy yêu cầu người ngoài xóm, khu phố không được tự ý vào khu vực; khuyến khích giao hàng bên ngoài. Người dân trong "vùng xanh" khi ra, vào phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16.
* Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã kích hoạt một số biện pháp phòng dịch ở mức độ cao hơn. Ngày 8/8, sau khi ghi nhận thêm một số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn, thị xã Phú Mỹ ngay lập tức kích hoạt mức độ phòng dịch lên mức cao hơn. UBND thị xã yêu cầu các phường, xã có phương án quyết liệt bảo vệ “vùng xanh”, cùng với đó là chuyển “vùng đỏ” sang “vùng vàng”, phấn đấu trở thành “vùng xanh”. Các địa phương phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên trì phương châm “đón đầu dập dịch chứ không chạy theo dịch” như chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Không chỉ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, như: Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Phú Yên, Đà Nẵng… đều quyết tâm mở rộng “vùng xanh”.
- Dịch Covid-19: Quảng Ninh kiểm soát dịch nhanh, sớm đưa xã hội về trạng thái bình thường mới
- Đà Nẵng lập chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố
Ngày 10/8/2021, khi trao đổi với báo chí về một số vấn đề đáng chú ý trong việc triển khai “chiến lược vùng” tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cũng đã bày tỏ sự vui mừng bởi gần đây, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã chú ý hơn đến việc giữ vững các “vùng xanh”. “Đáng chú ý, cùng với sự lãnh đạo cấp tỉnh, một số địa phương đã rất sáng tạo, phát động nhân dân tự đứng lên đăng ký, tổ chức để giữ cho ấp, cụm, tổ dân phố, xã hình thành “vùng xanh”.
Đây là kinh nghiệm rất quý, không chỉ với chính các địa phương này mà cần nhân rộng trên cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, chiến lược chung của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) là phải mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp và khoanh nhiều lớp “vùng đỏ”, để bên ngoài dần quay lại cuộc sống bình thường mới sớm nhất. Để có thể dập được “vùng đỏ” phải có “vùng xanh” thật vững chắc.
Phương Anh/TTXVN (tổng hợp)
Tags