(Thethaovanhoa.vn) - Lớp văn nghệ sỹ cao tuổi ở Hà Nội gọi đây là "Nhà danh nhân", bởi ngôi biệt thự 3 tầng này mang trong mình cuộc sống và số phận những tên tuổi làm rạng danh cho nền văn nghệ Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ đã có nhiều kiệt tác ra đời từ địa chỉ này.
Năm 1994, TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS trưởng TP Hà Nội là người trực tiếp tham gia xây dựng đề án "Quản lý quỹ nhà biệt thự TP Hà Nội" trình UBND Thành phố. Theo đó, Văn phòng KTS trưởng kiến nghị, UBND Hà Nội phải giữ lại không bán trên 500 biệt thự có giá trị.
HĐND TP Hà Nội lần thứ 17 đã thông qua Đề án Quản lý quỹ nhà biệt thự, trong tổng số gần 1.000 ngôi biệt thự cổ Hà Nội chỉ giữ lại 173 căn, số còn lại sẽ bán. Nếu không có các biện pháp quản lý chặt chẽ, có thể Hà Nội sẽ mất đi không gian kiến trúc đặc trưng.
1. Trong số này, chỉ riêng biệt thự 65 Nguyễn Thái Học đã có một lịch sử thăng trầm đầy “tính tiểu thuyết”. Lớp văn nghệ sỹ cao tuổi ở Hà Nội gọi đây là "Nhà danh nhân", bởi ngôi biệt thự 3 tầng này mang trong mình cuộc sống và số phận những tên tuổi làm rạng danh cho nền văn nghệ Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ đã có nhiều kiệt tác ra đời từ địa chỉ này.
Biệt thự 65A Phố Nguyễn Thái Học- Hà Nội
Cư dân của nhà 65 Nguyễn Thái Học là các hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... ngoài ra còn có những người từng đến rồi đi như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, hoạ sỹ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng.... Ngôi biệt thự này vốn của cụ Cự Lĩnh, một chủ thầu khoán lớn của Hà Nội thời thuộc Pháp.
Nhà gồm 3 tầng, mỗi tầng có 4 phòng riêng biệt, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Sau giải phóng Thủ Đô, biệt thự trở thành cơ quan của Hội Mỹ thuật Việt Nam, sau là chỗ ở của các anh em văn nghệ sỹ. Những nghệ sỹ của nhà 65 đều từ Việt Bắc về. Họ như một quần thể chiến khu tụ lại, sống trung thực, hồn nhiên, đôi khi họ như bị lạc giữa xung quanh, họ không thể tiếp nhận những thứ trái với đời sống đầy lý tưởng và rất trong sáng của mình.
Họ đã sống trong ngôi nhà này với nỗi cực nhọc, mệt mỏi, những lo toan và hạnh phúc như bao người thường. Và trong ngôi nhà này, họ cũng trải qua những trăn trở, hân hoan của việc sách tạo, những số phận bất thường của các danh nhân.
Đây từng là xưởng hoạ, đồng thời là gallery và chỗ ở của hoạ sỹ Song Văn, ông là người dựng tượng Bác Hồ đặt ở hai đầu Tổ quốc và là một cuốn cẩm nang sống về các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Sân sau là phòng của họa sỹ Mai Văn Hiến. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng của mỹ thuật nước nhà và là cây biếm hoạ có tiếng. Mỗi Tết Trung Thu, hoạ sỹ lại làm decor sân khấu cho lũ trẻ trong nhà vui chơi, có nhạc sỹ Đỗ Nhuận đệm đàn và nhà điêu khắc Nguyễn Văn Lý góp cỗ bằng mâm nho chín hái từ giàn nho trước căn buồng ở dãy nhà phụ của mình.
Rồi cố danh họa Nguyễn Phan Chánh ở trên gác 2, cụ điềm đạm, sống thong dong thư nhàn như một nhà nho, và hầu như không tham gia vào những cuộc tranh luận om sòm của đám hoạ sỹ đàn em trong nhà; rồi phòng của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận, ông Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam suốt mấy chục năm.
Cũng có phòng của cặp vợ chồng ông bà Vũ Tú Nam chỉn chu và hiền lành (trước đây là của nhà văn Nguyễn Đình Thi). Ông là Tổng biên tập báo Văn Nghệ -Tổng Thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam, bà là Tổng biên Tập báo Phụ nữ Việt Nam.
2. Gác 3 là nơi cư trú những nhân vật đặc biệt của hội họa Việt Nam. Người đầu tiên là danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm, ông là một trong Tứ Trụ của hội hoạ Việt Nam hiện đại. Người trong khu nhà thường chỉ nhìn thấy ông 2 lần/ngày: khi hoạ sỹ xách xe đạp đi làm buổi sáng và 10h đêm ông xuống tầng 1 lấy nước. Căn phòng đã có cửa, ông còn làm thêm bên ngoài một bức liếp, không ai biết ông ăn uống, nấu nướng, vẽ gì bên trong. Khi về già, ông kết bạn với hoạ sỹ hoạt hình Thu Giang - con gái nhà văn Nguyễn Tuân. Nghe nói vẫn còn một số tranh của hoạ sỹ vẽ ngày xưa vẫn được cất trong căn phòng ấy.
Rồi phòng của cố hoạ sỹ Văn Giáo trên gác 3 là người vẽ nhiều nhất về Bác Hồ, ông có những bức tranh phong cảnh rất nuột nà trong trẻo. Phòng của gia đình hoạ sỹ Trần Đông Lương, nổi tiếng với tranh thiếu nữ (lụa và phấn màu), ông dành gần trọn cuộc đời để thể hiện vẻ đẹp ý nhị và thanh cao của các thiếu nữ Hà Thành, có hơn 500 bức tranh nhan sắc của ông theo các nhà sưu tập đi khắp nơi trên thế giới.
Danh họa Nguyễn Sáng, một trong những cây đại thụ của hội hoạ VN cũng từng sống ở địa chỉ này. Nguyễn Sáng là "cây rượu" số một của nhà 65 (và của cả Hội mỹ Thuật VN), từ sáng sớm đến đêm khuya hầu như đều thấy ông ngất ngư với chén rượu. Ông hay ngồi uống một mình trong quán nghèo đầu phố Sinh Từ, hoặc cùng bạn bè lập "Quần Anh hội" trong căn phòng 10m2 của mình. Hoạ sỹ có câu "sư tử chỉ đi một mình", và quả thật ông là người cô đơn. Đôi khi, bọn thanh niên trong nhà 65 thường phải bế ông lên tận phòng khi ông uống say về nằm dưới cổng ra vào.
Hoạ sỹ Nguyễn Sáng lấy vợ năm 60 tuổi. Cô dâu trẻ, mong manh vì bị bệnh tim. Hôm cưới chú rể rầu rầu ôm hoa một mình chào bạn bè ở sân 51 Trần Hưng Đạo, vì cô dâu bị ngất. Một thời gian sau, vợ hoạ sỹ qua đời vì bệnh nặng, ông chỉ biết gửi mối tình với người vợ trẻ bạc mệnh vào những bức chân dung vẽ theo trí nhớ. Sau này hoạ sỹ mất trong Sài Gòn, một người họ hàng của người vợ đến ở căn phòng này.
Nhà 65 là nơi lui tới của giới văn nghệ sỹ thời bấy giờ: Trần Dần, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn... thường tìm đến đây đẻ bộc bạch nỗi lòng và những tâm sự của mình. Nhà 65 có hơn 10 nghệ sỹ, đã khuất núi hết. Những người bạn tri kỷ hay ghé tới chỗ các ông bây giờ cũng đã quần tụ cùng nhau ở một cõi khác, lớp hậu sinh thậm chí cũng lưu lạc dần để nhà 65 đón thêm những cư dân mới về. Biệt thự nằm trên mặt phố chính của Hà Nội, hè phố xưa kia rộng, thoáng và rợp bóng cây, chỉ náo nhiệt khi có xe điện đổ chuông leng keng chạy qua.
Cơ thể duyên dáng của toà biệt thự Pháp này giờ đây đang vặn mình để trổ ra những vết lở loét và những u mụn. Đó là những kiốt gội đầu, bán máy khâu, sửa xe máy, đề bo tranh... chen vai thích cánh làm nát hết khung cảnh mặt tiền. Đó là những căn hộ cơi nới đua ra những "chuồng cọp" chót vót trên lầu hai lầu ba. Cổng ra vào vốn làm theo kiến trúc Nhật Bản với ngói ống, tường hoa, đường tiện chạy quanh và hai cánh vòm lớn bằng gỗ lim. Sau cổng được thay bằng cánh sắt, rồi một đêm mưa gió trộm cũng vào vác nốt cánh sắt - giờ khung cổng cổ được bày chen trúc tranh xu –vơ - nia và đồ chơi trẻ con, truyện tranh...
3. Trở lại thời kì trước giải phóng thủ đô, các biệt thự đều thuộc sở hữu của các viên chức, quan chức trong hệ thống chính quyền thực dân. Khi bộ đội ta tiếp quản Thủ đô, hầu hết các chủ cũ của các căn biệt thự bỏ chạy về Pháp, hoặc di cư vào Nam. Những ngôi biệt thự tuyệt đẹp bị bỏ hoang. Các cơ quan hành chính nhà nước lựa chọn những ngôi biệt thự rộng rãi để làm trụ sở. Các cán bộ cao cấp, văn nghệ sĩ, người có công với kháng chiến đều được sắp xếp vào sinh sống tại các biệt thự.
Người tiêu chuẩn cao thì một mình một căn, người có tiêu chuẩn thấp hơn thì vài ba gia đình chung một biệt thự, với các cán bộ miền Nam tập kết thì mỗi người được phân một phòng. Biệt thự nào mà chủ nhân cũ còn ở lại Hà Nội, phải rút vào ở một căn phòng, còn phòng ốc đều chia sẻ với các gia đình kháng chiến hoặc tập kết.
Thực trạng các biệt thự hiện nay, chứng kiến mà không khỏi xót xa. Một loạt các biệt thự trên mặt phố Quang Trung, Hàn Thuyên, Lê Văn Hưu, Hai Bà Trưng, Bà Triệu... phía bên ngoài đã biến thành những dãy cửa hàng với hàng chục kiốt bị chia nhỏ.
Phía bên trong lại càng thảm hại, những biệt thự huy hoàng trước kia đã biến thành những chung cư cũ nát, quá tải với những chuồng cọp cơi nới vô tội vạ. Những khuôn viên biệt thự mấy mét vuông khoác lên mình bộ mặt nhếch nhác, tạm bợ và buồn tẻ. Khi được hỏi, đa số người dân không hề biết là mình đang… sống trong biệt thự!
Tags