Luật Bảo hiểm y tế: Bảo đảm quyền lợi của người bệnh

Thứ Tư, 07/01/2015 10:35 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (gọi tắt là Luật Bảo hiểm y tế) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với rất nhiều quy định mới nhằm tiến tới thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Đồng thời, Bộ Y tế đã công bố Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 ban hành Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) với quy định bảo hiểm y tế cắt giảm việc chi trả một số loại thuốc. Điều này khiến không ít người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân ung thư lo lắng vì khoản tiền sẽ phải đồng chi trả thêm khi điều trị.

Bỏ chế độ đồng chi trả cho người nghèo

Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế, một việc hết sức quan trọng với ngành y tế là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giảm tải bệnh viện.

Thời gian qua, việc thực hiện đề án giảm tải bệnh viện bước đầu đã có kết quả rõ rệt, số giường bệnh bình quân đã tăng lên 28,4 giường/10.000 dân, một số bệnh viện Trung ương sẽ công bố không còn tình trạng nằm ghép… Ngành y tế cũng quyết liệt chỉ đạo ngành dọc giảm bớt các thủ tục hành chính khi người dân tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo đó thời gian chờ đợi khám trung bình giảm 50 phút.

Toàn ngành đã xử lý nghiêm khắc, triệt để trên cơ sở các quy định, quy tắc ứng xử nghề nghiệp, tổng số khoảng 150 cán bộ y tế bằng các hình thức như cách chức, nghỉ việc, cảnh cáo, khiển trách, chuyển công tác và trừ thưởng…, góp phần nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế, làm tăng sự hài lòng của người dân.

Một điểm mới nữa của Luật Bảo hiểm y tế là tăng quyền lợi đối với người tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, người dân nghèo sẽ được thụ hưởng nhiều nhất ở điểm quy định: Bảo hiểm y tế bỏ hẳn đồng chi trả; ngoài ra có thể thông tuyến kỹ thuật đối với tuyến xã, huyện trong địa bàn tỉnh. Đối với người nghèo, sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo, khi thông tuyến, kể cả tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, không phải đồng chi trả.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân như: Quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, thân nhân người có công, người dân đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo...

Ngoài ra, Luật mới cũng tạo điều kiện thông thoáng hơn để người tham gia bảo hiểm y tế được tiếp cận, hưởng quyền lợi đầy đủ trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong phạm vi tuyến huyện mà không bị coi là trái tuyến, vượt tuyến; đồng thời cũng bổ sung và qui định cụ thể hơn trách nhiệm của các bên liên quan.

Vụ trưởng Tống Thị Song Hương nhấn mạnh: Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương theo qui định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo qui định. Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu vào mỗi đầu quí...

Danh mục thuốc mới đủ đáp ứng điều trị cho các loại bệnh ung thư đặc thù

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn cho biết: Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 ban hành Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế gồm: 845 hoạt chất, 1.064 loại thuốc tân dược, 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu.

Trong danh mục có 25 thuốc qui định tỷ lệ thanh toán là các thuốc có chi phí điều trị lớn, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư để các bác sỹ cân nhắc khi chỉ định, kê đơn nhằm quản lý tốt hơn; đồng thời đáp ứng nhu cầu điều trị, có sự chia sẻ nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của người bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Trong số 25 thuốc này, có 5 thuốc bổ sung mới mà trước đây Quỹ Bảo hiểm y tế chưa thanh toán, nay qui định tỷ lệ thanh toán là 50%; 11 thuốc điều trị ung thư, chống thải ghép được đưa vào danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế đang thanh toán 50%; 9 thuốc của danh mục thuốc tại Thông tư 31/2011/TT-BYT mà Quỹ Bảo hiểm y tế đang thanh toán 100% nay giảm tỷ lệ thanh toán xuống còn 50% (gồm: 4 thuốc điều trị ung thư và 5 thuốc điều trị các bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hormon tăng trưởng)...

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn nhấn mạnh: Riêng đối với bệnh nhân bị ung thư đang sử dụng 4 thuốc: Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib và Sorafenib tại cơ sở khám chữa bệnh trước thời điểm Thông tư số 40 có hiệu lực, thì tiếp tục được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí theo qui định tại Thông tư số 31 cho đến hết liệu trình điều trị.

Liên quan đến việc cắt giảm chi phí điều trị 9 loại thuốc từ 100% xuống còn 50%, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định: Việc cắt giảm chi phí điều trị 9 loại thuốc này từ 100% xuống còn 50% khiến nhiều bệnh nhân băn khoăn nhất, nhưng thực tế việc làm này đã được cân nhắc bởi hội đồng khoa học là các chuyên gia đầu ngành về ung bướu.

Theo đó, các chuyên gia khẳng định việc cắt giảm chi phí điều trị không làm mất cơ hội điều trị của bệnh nhân vì phải đồng chi trả quá lớn.

Về danh mục thuốc bảo hiểm y tế mới này, Gs.Ts. Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu nhấn mạnh: Danh mục thuốc vừa được ban hành, trong đó có 65 loại thuốc điều trị ung thư không hề thua kém danh mục thuốc của nhiều nước, kể cả các nước phát triển.

Đặc biệt, so với nhiều nước trong khu vực, danh mục thuốc này còn cập nhật hơn, đủ đáp ứng điều trị cho các giai đoạn, các loại bệnh ung thư đặc thù của người Việt Nam.

Để bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân ung thư, Bộ Y tế vừa có quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ hai loại thuốc chi phí 45 - 50 triệu đồng/tháng cho bệnh nhân bạch cầu mãn dòng tủy và u mô đệm đường tiêu hóa.

Theo đó, quyết định này sẽ áp dụng từ năm 2015 - 2019 tại 7 cơ sở khám chữa bệnh gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 40% tiền thuốc, nhà sản xuất thuốc cung cấp 60% chi phí còn lại bằng cách cung cấp thuốc theo liệu trình điều trị được bác sĩ chỉ định.

Thu Phương - TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›