(Thethaovanhoa.vn) – Xung quanh những xôn xao về vụ “bắt vợ” tại Nghệ An, Hà Giang, và mới nhất, tại Sa Pả (Sa Pa, Lào Cai), luật sư Trần Tuấn Anh (công ty Luật Minh Bạch, đoàn Luật sư Hà Nội) đã có những chia sẻ về những vấn đề pháp lý liên quan.
- Người H’Mông có tục ‘kéo vợ’ chứ không đi ‘bắt vợ’
- Bắt vợ ‘biến tướng’: Cần bàn tay sắt của luật
- Công an xác minh vụ thiếu nữ gào khóc thảm thiết khi bị nhóm thanh niên 'bắt vợ'
Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng: “Phong tục “bắt vợ, cướp vợ” được coi là một nét đẹp văn hóa ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, với xã hội tiên tiến, văn minh như hiện nay, cá nhân tôi cho rằng, phong tục này chỉ nên được giữ lại theo “hình thức”.
Tức là khi tiến hành “bắt vợ, cướp vợ” thì hai bên đã có sự đồng thuận, chỉ coi hành vi này như một nét đẹp nhằm bảo toàn văn hóa và truyền thống của dân tộc.”
Luật sư Trần Tuấn Anh
Luật sư Trần Tuấn Anh khẳng định: “Còn "bắt vợ, cướp vợ" nếu diễn ra mà không có sự đồng ý của các bên liên quan thì người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định Điều 123 Bộ luật hình sự hiện hành. Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và các tình tiết liên quan, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật".
Hơn thế nữa, hiện nay Luật hôn nhân gia đình cũng đã quy định một cách cụ thể chi tiết về chế độ hôn nhân tại Việt Nam và công dân Việt Nam bất kể tôn giáo, dân tộc phải tuân thủ theo quy định của Luật. Do vậy, người thực hiện hành vi “bắt vợ, cướp vợ" có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ tại Điều 146 Bộ luật hình sự hiện hành.
Tục "kéo vợ", phong tục đẹp của người H'Mông đang bị biến tướng
Luật sư Trần Tuấn Anh khuyến cáo: Đừng lạm dụng những phong tục tốt đẹp để phục vụ cho ý đồ riêng của mình, việc làm này có thể vi phạm pháp luật hình sự và bị xử tù.
Hoài Thương (ghi)
Tags