(Thethaovanhoa.vn) - Khi tàu đang khai thác tại vùng biển Nhà Tình Nghĩa, một tàu ngư dân bất ngờ dính được nhiều ốc vỏ vàng hay còn gọi là ốc giác, trọng lượng từ 3-5kg/con.
- Người dân Hà Nội kháng cự với cái nắng kỷ lục bằng 'lá chắn di động'
- Chùm ảnh: Muôn hình vạn trạng cách đối phó với nắng nóng của người dân Hà Nội
- Nhiều nhà cổ ở Đường Lâm đang đe dọa tính mạng người dân
Anh Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1982, chủ tàu cá biển kiểm soát BL - 93196 TS (ngụ tại ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trong chuyến ra khơi đầu tháng 6/2017, khi tàu đang khai thác tại vùng biển Nhà Tình Nghĩa (thuộc vùng biển Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cách đảo Hòn Khoai khoảng 90 hải lý thì bất ngờ dính được nhiều ốc vỏ vàng hay còn gọi là ốc giác, trọng lượng từ 3-5kg/con.
Khi tàu cập bến, lượng ốc khai thác được anh chia cho tài công, ngư phủ và để lại 4 con ốc lớn nhất để ăn, làm quà biếu. Một người thân được anh tặng ốc khi làm thịt đã phát hiện viên ngọc ốc quý hiếm, người này gửi tặng viên ngọc lại cho anh Nam.
Thấy viên ngọc có màu đẹp, giá trị, anh đem viên ngọc đến tiệm vàng giám định và cân được trọng lượng là 2,256 chỉ (trọng lượng tính theo đơn vị vàng).
Theo anh Nam, viên ngọc có hình dạng giống với tượng phật, màu vàng như vỏ ốc và nhẵn bóng. Một mặt viên ngọc có màu vàng đậm, mặt còn lại màu hồng nhạt. Cầm viên ngọc trên tay có cảm giác mát lạnh dễ chịu.
Ngư dân vùng biển này cho biết, đây là viên ngọc thứ 3 ngư dân ở thị trấn Gành Hào đánh bắt được. Trong đó có 1 viên ngọc đã được bán với giá 450 triệu đồng.
Theo anh Nam, tuy chưa có người trả giá cụ thể nhưng viên ngọc này có hình dáng, kích cỡ, màu sắc hơn hẳn viên ngọc được bán với giá 450 triệu đồng trước đó. Hiện gia đình anh đang liên hệ ngành chuyên môn, người có kinh nghiệm kinh doanh lĩnh vực này để thẩm định chất lượng và giá rồi mới quyết định bán.
Theo các chuyên gia, ốc giác hay còn gọi là ốc Hoàng Đế (danh pháp khoa học là Melo melo). Đây là một loài ốc trong họ Volutidae, cỡ lớn, rất có giá trị kinh tế với việc khai thác ốc để lấy thịt và một số cá thể có thể tạo ngọc. Loại ốc này phân bố ở châu Á, có ở dọc bờ biển Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippines…
Huỳnh Sử
Tags