(Thethaovanhoa.vn) - Vườn tượng 12 con giáp đặt tại khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, Đồ Sơn (Hải Phòng) đã nhiều năm qua, không ai chú ý, cũng không ai có ý kiến, chỉ đơn giản bởi vì những tác phẩm tạo hình này không đủ đẹp để thu hút mọi ánh nhìn và làm người ta nhớ tới.
- Nghệ thuật, sự xấu hổ và tượng 12 con giáp ở Hải Phòng
- 12 con giáp ở Hải Phòng được mặc thêm đồ bơi cho hợp với không khí biển
- 12 con giáp nên đi du lịch ở đâu trong năm Mậu Tuất?
Bỗng dưng một ngày hình hài lồ lộ của 12 con giáp khỏa thân được phơi bày và chia sẻ với "tốc độ chóng mặt" trên cộng đồng mạng. Lúc ấy, mọi người mới "soi" vào và giật mình thảng thốt: Tại sao một thứ văn hóa thô tục và phản cảm ấy lại được ngang nhiên bày biện nơi công cộng!
Ông Hoàng Văn Thiềng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu cho biết 12 con giáp trên đã được đặt trong vườn tượng và mở cửa cho khách tham quan nhiều năm nay. 4 năm trước, khu du lịch Hòn Dấu quy hoạch lại và các bức tượng được di chuyển lên núi đầu Nở. Ông chủ khu du lịch này cũng thanh minh rằng: nơi đặt tượng không phải khu vui chơi dành cho trẻ em.
Chọn trang phục cũng cần có văn hoá
Chiều 27/3, trước sự phản đối của dự luận, Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hải Phòng đã có ý kiến chỉ đạo và Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu vội vàng cử nhân viên mặc trang phục bikini nhiều màu sắc cho 12 con vật linh trong tâm thức người Việt. Sự kệch cỡm lại càng tăng lên. Dư luận lại dậy sóng và "ném đá" chỉ trích . . .
Một ngày sau đó, những chiếc quần đùi sặc sỡ được cởi bỏ và thay vào đó bộ phận mô phỏng cơ quan sinh dục của 12 bức tượng được "ý nhị" che đi bằng những chiếc lá hoặc chùm nho bằng nhựa. Tất cả cho thấy một sự chống chế khiên cưỡng và vụng về. Nhận xét về sự loay hoay lựa chọn trang phục cho 12 con giáp, không ít người đã phải thốt lên: " Thôi, đã xấu xí thì đừng gây chú ý nữa!".
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng như vậy trông càng xấu xí và "tốt nhất là cất bộ tượng này đi. Ông đánh giá: " Về mặt tạo hình, mảng khối thì 12 con giáp này không đẹp. Hơn nữa, 12 con giáp vốn dĩ là 12 con vật chứ không phải con người, việc này đã sai ngay từ ý tưởng sáng tác gán ghép "mình người đầu vật". Ở phương Tây có tượng đầu người, mình vật hay đầu vật, mình người… nhưng đó là các tác phẩm gắn với điển tích, thần thoại, có giá trị biểu tượng sâu sắc chứ không phải tạc tùy tiện".
Là một trong những người từng nâng niu viết về hình tượng những con vật, nhà văn Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho rằng: những bức tượng này được trưng bày nơi công cộng không phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như thẩm mỹ của người Việt. Ở Châu Âu, tượng khỏa thân là người, còn ở đây là vật, thậm chí là vật thiêng mà ghép như vậy là dung tục hóa.... Giống như nhiều nước châu Á, người Việt Nam vẫn theo Totem giáo: thờ gốc cây, thờ các con vật. ... Cho nên dung tục hóa các vật (con vật) thiêng là sự giải thiêng chứ không phải dân dã hóa".
Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 2007 khi kết thúc trại sáng tác, ông cùng một số nghệ sĩ cũng đã về Hải Phòng nhưng không thấy bộ tượng 12 con giáp trên mà chỉ thấy các nhóm tượng của các nhà điêu khắc tên tuổi được trưng bày tại khu du lịch Hòn Dấu. “Một người nghệ sĩ có thể để những tác phẩm như bộ tượng này ở trong nhà nhưng khi quyết định đưa ra ngoài trời thì tác phẩm trước hết phải đẹp, có tính nhân văn. Đã là nghệ sĩ chân chính, có tên tuổi không ai bỏ qua điều này- Từ sự việc trên cũng phải thừa nhận các nghệ sĩ cần có trách nhiệm hơn trước những sản phẩm nghệ thuật của mình. Các nhà quản lý văn hoá địa phương cũng nên xử lý tốt việc này nếu không vô hình chung lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu lời từ những việc làm không đẹp.
Nghệ thuật không thể tuỳ tiện
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu hình thành các không gian đô thị, nhất là khu du lịch văn minh với các vườn tượng đẹp là không thể thiếu. Tuy chưa nhiều nhưng thời gian qua, tại một số công viên, vườn hoa, khu nghỉ mát... các nhà quản lý có tâm và có tầm đã dụng công "bày đặt" không gian kiến trúc với những bức tượng độc lập hay quần thể tượng mang giá trị mỹ thuật cao. Có thể kể đến như 17 bức tượng chất liệu đá, bê tông bên hồ Hoàn Kiếm được các nghệ sĩ tặng lại cho thành phố Hà Nội sau trại sáng tác năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng Thủ đô.
Hay vườn 40 tượng đá trắng bán thân các danh nhân y học thế giới ở Quy Nhơn đặt trên các bệ xi măng màu hồng xoay vào nhau theo một con đường nhỏ dưới bóng cây râm mát, bên bờ biển sóng vỗ , tạo không gian khoáng đạt, thể hiện xúc cảm nghệ thuật hài hòa với cuộc sống, phục vụ cuộc sống. Gần đây nhất là vườn tượng tại Công viên APEC, thể hiện nét đặc sắc văn hóa của 21 nền kinh tế thành viên APEC, cũng như tinh thần hợp tác, hướng tới tương lai chung.
Các vườn tượng đẹp ở Việt Nam và thế giới đều là kết quả của một quá trình tổ chức, quản lý văn hoá rất chuyên nghiệp. Đó thường là kết quả của các trại sáng tác để từ đó có nhiều gợi ý về đề tài và ý tưởng cho người nghệ sĩ lựa chọn. Tiếp đến là các hội thảo, phê bình, góp ý, phản biện với với sự tham gia của nhiều giới trong xã hội. Một việc không thể thiếu là trước khi trưng bày và sắp đặt cũng cần đánh giá sự đón nhận của công chúng. Nghệ thuật không thể tuỳ tiện. Chỉ có quản lý một cách chuyên nghiệp như vậy mới có thể mang lại không gian văn hoá đích thực cho cộng đồng.
Thực tế, nếu có một vườn tượng mới nhìn vào đã đẹp, nhìn lâu càng thấy đẹp bởi ý nghĩa biểu đạt của nó thì chắc chắn các nhà quản lý văn hoá địa phương và chủ nhân của Vườn tượng 12 con giáp tại Hòn Dấu, Hải Phòng đã không phải loay hoay chạy theo dư luận như bây giờ!
TTXVN/Báo Tin tức
Tags