(Thethaovanhoa.vn) - Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ra đời cách đây gần 60 năm (1960-2020). Trong hơn 15 năm thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trên chiến trường miền Nam, rất nhiều phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng đã cống hiến, thậm chí đã ngã xuống trên chiến trường. Với nhiều người, thời gian sống và làm việc tại Thông tấn xã Giải phóng đã để lại rất nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2020), TTXVN xin giới thiệu chùm 3 bài viết về những ký ức của những nhà báo chiến trường năm xưa của Thông tấn xã Giải phóng đăng phát ngày 20/6.
Gần 40 năm đã qua nhưng đối với nhà báo Phạm Nhật Nam, nguyên Phó Giám đốc Cơ quan Đại diện TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, những ký ức, kỷ niệm về những ngày còn là phóng viên chiến trường vẫn vang mãi trong tâm trí. Đó là những tháng ngày tác nghiệp giữa làn bom đạn của địch, cùng sống, cùng chiến đấu với các chiến sỹ du kích quả cảm, kiên cường ở mảnh đất Tây Ninh và hoàn thành nhiệm vụ, khẳng định vai trò của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng.
Bài báo từ trong lửa đạn
Năm 1972, chiến trường miền Nam đang trong giai đoạn diễn ra khốc liệt, lớp phóng viên GP10 với gần 150 sinh viên ưu tú được chọn từ các trường đại học về Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) để đào tạo nghiệp vụ, tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng. Ngày 16/3/1973, nhà báo Phạm Nhật Nam cùng những phóng viên lớp GP10 vào chiến trường khi còn rất trẻ, tràn đầy sức sống, hăng hái, sẵn sàng tự nguyện lên đường làm nhiệm vụ.
“Tại chiến trường ở Tây Ninh, những phóng viên như chúng tôi không chỉ đơn giản làm công tác nghiệp vụ sản xuất tin, bài mà còn phải làm những công việc phục vụ cách mạng như đào hầm tránh bom, tăng gia sản xuất, trồng rau để cải thiện. Tôi được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đưa đi làm công tác phát động quần chúng, vận động nhân dân trong vùng ủng hộ cách mạng”, nhà báo Phạm Nhật Nam chia sẻ.
Địa điểm đầu tiên ông được phân công đến là xã Thanh Điền, một xã nằm trong vành đai bảo vệ thị xã Tây Ninh và bảo vệ các căn cứ quân sự lớn như: Cẩm Giang, Trảng Lớn, Tua Hai… Khu vực này địch xây dựng các ấp chiến lược kiểu mẫu, có hệ thống đồn bốt dày đặc. Đi cùng nhà báo Phạm Nhật Nam, cán bộ B7 - Thông tấn xã Giải phóng là đồng chí Vũ Đình Hào, cán bộ B3 - Tiểu ban Giáo dục Giải phóng làm tổ trưởng và đồng chí Phạm Quang Nghị (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội), cán bộ B2 - Tiểu ban Văn nghệ Giải phóng.
Nhà báo Phạm Nhật Nam nhớ lại: “Do chiến trường chia cắt và đặc thù công tác nên dù hoạt động ở cùng một địa bàn nhưng anh em thường chỉ gặp nhau vào dịp cần hội ý, báo cáo công tác hay khi có tình hình đột xuất. Để thuận tiện cho việc bám dân, bám đất, tránh sự phát hiện của địch, mọi người phải chọn những gò đất nổi giữa bốn bề mênh mông nước và những bụi cây rậm rạp làm nơi ẩn náu”.
Về những khó khăn trong thời khốc liệt ấy, theo nhà báo Phạm Nhật Nam, nhiều đêm địch bắn pháo không theo một quy luật nào, cứ nửa giờ đến một giờ chúng lại bắn một lần, nhiều quả chỉ cách cứ chưa đến 100 mét. Có những khi quần áo ướt chưa kịp thay, chúng lại bắn đợt mới, ông buộc phải nhảy xuống hầm, ngâm mình trong nước lạnh suốt một đêm dài.
Ở vùng chiến trường ác liệt ấy, lằn ranh giữa sự sống và mất mát chỉ trong gang tấc. Nhà báo Phạm Nhật Nam tận mắt chứng kiến tội ác mà quân địch gây ra với đồng bào ta, trong đó bản thân ông thiếu chút nữa cũng trở thành nạn nhân. Trong một ngày công tác ở xã Hòa Hiệp (huyện Châu Thành, Tây Ninh), lúc khoảng 10 giờ, quân địch bất ngờ cho máy bay tấn công, ném bom toàn bộ vùng giải phóng Hiệp Hòa.
Trận oanh tạc của địch khiến hơn 50 người dân vô tội phải bỏ mạng, bản thân nhà báo Phạm Nhật Nam dù ở trong nơi trú ẩn nhưng cũng bị bom đạn khốc liệt đánh sập hầm. May mắn thoát được ra ngoài sau màn dội bom dữ dội, trước mặt ông là cảnh tượng thê lương hoang tàn. “Lúc chui ra khỏi hầm, mọi thứ xung quanh tôi đều cháy rụi, đồ đạc, tư trang của mình cũng không còn lại gì, trong đó có nhiều tư liệu, nhật ký, những ghi chép mỗi ngày... đều mất hết. Tất cả những gì còn lại chỉ là bộ quần áo lấm lem trên người”, nhà báo Phạm Nhật Nam nhớ lại.
Sau khi cùng những người trong xã khắc phục hậu quả, động viên thăm hỏi những người bị ảnh hưởng, ngay lập tức ông bắt tay vào viết. Dù thiết bị tác nghiệp đã bị thiêu rụi nhưng may mắn lúc đó, nhà báo Phạm Nhật Nam tìm được một hiệu ảnh trong vùng giải phóng để mượn đồ tác nghiệp. Khi biết phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, chủ tiệm tin tưởng giao cho một máy ảnh cùng bốn cuộn phim vuông. Với “vũ khí” trong tay, nhà báo Phạm Nhật Nam đã ghi lại những tội ác mà quân địch gây ra với đồng bào và ngay đêm đó, ông dồn tâm huyết thực hiện bài tường thuật “Giặc Mỹ lại gây tội ác với đồng bào vùng giải phóng”.
Hoàn thành bài viết trong điều kiện lúc ấy không hề đơn giản nhưng để chuyển bài viết về tòa soạn còn gian nan hơn nhiều, bởi phải về căn cứ mới có thể gửi bài. Từ Hòa Hiệp đến căn cứ không quá xa, phải đi đường vòng qua đất Campuchia nên đầy khó khăn, nguy hiểm. “Nếu đi một mình chắc chắn sẽ bị quân Pol Pot phát hiện. Bởi vậy, tôi phải chờ đoàn bộ đội với khoảng 20 - 30 chiến sỹ trang bị súng ống đầy đủ, vì trên đường sẽ gặp phải rất nhiều trạm gác của địch. Hành trình từ xã Hòa Hiệp về tới căn cứ chỉ vài chục km nhưng phải mất 14 giờ”, nhà báo Phạm Nhật Nam chia sẻ.
Sau khi chuyển cho đồng chí Nguyễn Đức Giáp (Phó Trưởng ban B7/3 - biên tập tin), bài viết của nhà báo Phạm Nhật Nam được nhà báo Nguyễn Đức Giáp nhận xét đây là bài viết sắc bén, có chiều sâu, câu từ lưu loát, không cần phải chỉnh sửa nội dung. Tuy nhiên, để nêu bật tội ác của địch, lãnh đạo đã đổi tiêu đề thành “Bom Mỹ lại rơi xuống võng em thơ, xuống trang sách học trò”.
Nhà báo Phạm Nhật Nam cho biết, bài viết đó thật sự gây tiếng vang lớn khi đó bởi giá trị tố cáo cao, gây xúc động, đánh thức lương tri, góp phần vào cuộc đấu tranh vạch trần tội ác của giặc. Điều này cũng góp phần đưa uy tín của Thông tấn xã Giải phóng cũng như Việt Nam Thông tấn xã lúc đó lan truyền sâu rộng, khẳng định vị thế của đơn vị, vai trò của phóng viên chiến trường.
“Cháu là Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng”
Trong suốt thời gian hoạt động tại vùng căn cứ ở Tây Ninh, kỷ niệm đáng nhớ nhất với nhà báo Phạm Nhật Nam chính là sự kiện gặp gỡ và trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Linh, khi đó là lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam tại một Hội nghị của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục tổ chức trong khu rừng thuộc xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, ngay dưới chân núi bà Đen. Sự kiện này được nhà báo Phạm Nhật Nam ghi nhớ như một mốc son khẳng định vai trò, vị thế của một phóng viên chiến trường Thông tấn xã Giải phóng.
Cuối năm 1974, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tổ chức Hội nghị tổng kết đợt một công tác phát động quần chúng xây dựng lực lượng cách mạng trong vùng giải phóng; triển khai kế hoạch hoạt động mùa khô đi sâu vào vùng địch tạm chiếm góp phần đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng. Nhà báo Nhật Nam được lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng cử đi dự và đưa tin về hội nghị này.
Nhớ lại thời điểm đó, nhà báo Phạm Nhật Nam chia sẻ: Đó là khoảnh khắc xúc động, không thể nào quên bởi thời bấy giờ, việc gặp được một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng thực sự rất khó khăn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh ân cần bắt tay, thăm hỏi từng người một và dừng lại hỏi thăm khi thấy tôi còn rất trẻ. Đồng chí hỏi tôi khi nào sẽ ra lại miền Bắc, tôi nói dự định 5 năm nữa. Câu trả lời ấy khiến đồng chí Nguyễn Văn Linh dừng lại, chăm chú nhìn và hỏi: “Bác vào Nam năm 1937. Thế mà bây giờ bác chưa ra, tại sao cháu lại nói 5 năm nữa cháu sẽ ra?”.
Với kiến thức của một cử nhân ngành Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà báo Phạm Nhật Nam tự tin chia sẻ với đồng chí Nguyễn Văn Linh: Bác vào Nam thời điểm nước ta đang trong thời kỳ đen tối, Đảng còn hoạt động bí mật, cách mạng chưa giành được chính quyền. Còn cháu vào Nam khi một nửa đất nước đã hoàn toàn giải phóng, miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Bởi vậy, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước không còn xa nữa nên cháu cho rằng, 5 năm nữa là có thể ra lại miền Bắc.
Sau khi nghe câu trả lời của tôi, đồng chí Nguyễn Văn Linh mỉm cười, tỏ thái độ hài lòng, vỗ vai và lại gần hỏi tiếp: “Giỏi, giỏi, tay này giỏi. Thế cháu công tác ở cơ quan nào?”. Lúc ấy, tôi liền dõng dạc trả lời: “Thưa bác, cháu là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ạ” - nhà báo Phạm Nhật Nam nhớ lại với sự tự hào.
Những bài báo viết từ trong bom rơi, lửa đạn của địch luôn mãi khắc ghi trong tâm trí những phóng viên chiến trường như nhà báo Phạm Nhật Nam. Đó không chỉ ký ức về một thời oai hùng của một người làm báo mà ở đó mỗi phóng viên còn là một chiến sỹ cách mạng, đấu tranh cho mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
(Còn nữa)
Thu Hương - Tiến Lực
Tags