(TT&VH) - Nhiều người đã biết đến tác hại kinh khủng của chất độc hóa học dioxin mà Mỹ đã rải xuống các cánh rừng ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh trước đây. Ít ai ngờ cái kho chất độc chết người này đến hôm nay nó vẫn là một mầm họa đối với người dân sống xung quanh sân bay Biên Hòa - một căn cứ lớn nhất khu vực miền Nam trước kia của Mỹ - ngụy. Hàng ngàn người dân ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), Tân Phong, Quang Vinh, Trung Dũng (TP Biên Hòa) đang phải sống ngay trên “vùng đất chết” mà như đùa giỡn với số phận.
Trong ánh nắng gắt của buổi trưa Hè, chúng tôi tìm đến cái “xóm bay” thuộc xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai để tận mắt nhìn thấy các nạn nhân của chất độc da cam. Đây là một khu dân cư cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 6 km và nó nằm ngay sát đường băng của sân bay.
Nụ cười của Nghị
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, cán bộ Ban Gia đình và Trẻ em xã Bình Hòa, lý giải: “Đặt tên là “xóm bay” vì trước khi hàng rào sân bay được xây (cách nay vài năm), những người dân nơi đây mưu sinh bằng nghề đào phế liệu trong sân bay Biên Hòa. Những năm 1980 gần như người dân cả xã thi nhau vào trong sân bay đào phế liệu mang về bán kiếm sống. Nhiều người không có đất sản xuất thì coi đây là nghề chính để kiếm cơm. Ngay cả tôi cũng đi đào phế liệu, vì chẳng biết làm gì để kiếm sống, nên nay cái chân trái còn mang thương tật suốt đời”.
Trần Hữu Nghị, 17 tuổi, nhưng chưa thể nói được câu nào
Từ UBND xã Bình Hòa, chúng tôi men theo con đường đất lổn nhổn sỏi đá, dẫn lên một ngọn đồi nhỏ. Bao quanh con đường là những căn nhà trông khá tồi tàn, xây cất không tuân theo một trật tự nào khiến cho có đoạn đường, bề ngang chỉ hơn nửa mét.
Hơn 10 phút đi xe, căn nhà của cậu bé Trần Hữu Nghị, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin, mà nhiều người đồn đoán do cha mẹ em trước kia đi đào phế liệu trong sân bay đã bị nhiễm độc, nên sinh ra em dị tật như thế. Căn nhà nhỏ với những mảng tường vôi đã ngả màu theo thời gian, dưới nền nhà là một cậu bé với đôi chân co quắp, teo tóp ngước nhìn chúng tôi và nở một nụ cười trông thật tội nghiệp.
Ngôi nhà vắng vẻ, chỉ còn hai ông bà ngoại đang ở nhà trông đứa cháu tật nguyền, còn cha mẹ Nghị đang đi làm phụ hồ và công nhân. Ngoài việc phải lo cơm nước cho đứa cháu tật nguyền, bà Phạm Thị Ngẫu, 69 tuổi ( là bà ngoại của Nghị), còn phải đi bán vé số kiếm sống phụ giúp gia đình.
Nghị chống tay ngồi giữa hiên nhà, em cố sức trườn thân mình tiến gần về phía chúng tôi khi cậu nhìn thấy cái máy ghi âm lạ mắt và lúc nào trên môi cũng nở nụ cười, mà nụ cười đó tôi cũng không thể cảm nhận được nó buồn hay vui.
Ông Nguyễn Văn Chích, 74 tuổi (ông ngoại của Nghị), như muốn chúng tôi cùng san sẻ cái tâm lý luôn nặng trĩu trong lòng mình khi nghĩ về đứa cháu, ông nói: “Nó thấy mấy chú là nó vui lắm đó. Hôm nay nghe nói có người lạ đến thăm, nó háo hức chờ từ sáng đến giờ. Nó không nói được nhưng nó hiểu người ta nói gì”. Rồi ông thở dài chán chường: “Không biết kiếp trước nó gây ra nghiệp chướng gì, mà nay nó bị hành hạ khổ đến thế các chú?”. Ông Chích cho chúng tôi biết, không hiểu sao mà thằng bé nó ăn mà không hề có khái niệm nhai, kể cả hạt mít to thế nhưng nó cũng nuốt hết.
Nhắc đến di chứng chất độc màu da cam quái ác đang hành hạ thân xác của em Nghị, bà Ngẫu buồn kể: “Từ khi sinh ra, 2 chân của nó teo tóp, nằm liệt một chỗ, không nói được, trí tuệ chậm phát triển, khù khờ. Thi thoảng lại lên cơn co giật nên tôi và ông ngoại nó thay nhau chăm sóc từ nhỏ đến giờ, còn cha mẹ nó phải lo đi làm kiếm tiền”.
Hậu quả mà em Nghị phải gánh chịu ngày hôm nay là do từ việc mưu sinh đào phế liệu trong sân bay Biên Hòa mà ông, bà và mẹ của em đã từng làm trước đây. Họ đâu ngờ rằng, sân bay Biên Hòa đã từng là nơi chứa hàng ngàn tấn chất độc da cam/dioxin của Mỹ trong chiến tranh. Thứ chất độc giết người đó đã thấm sâu vào hàng trăm ha đất, hồ nước, suối trong sân bay này. “Ngày đó dân tụi tôi có biết chất độc gì đâu. Mà nghèo quá nên chỉ có nghề đào phế liệu này là “cần câu cơm” duy nhất của những hộ gia đình tại xóm này. Tụi tôi ngâm mình dưới sình lầy để tìm sắt vụn, thấy nước hồ trong quá thì tắm, nước suối trong và ngọt thì uống. Ngay cả con gái tôi cũng vào sân bay làm việc này, sau đó có chồng, mang bầu thằng Nghị cũng vào sân bay nhặt phế liệu. Đến giờ biết ra thì cũng đã quá muộn rồi” - ông Chích nói.
Nói về việc tuyên truyền cho người dân về tình trạng nhiễm độc dioxin và cách phòng ngừa, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết: “UBND xã mới khuyến cáo về tình hình nhiễm độc dioxin tại sân bay này là khoảng 1 - 2 năm nay thôi. Hiện tại xã có 5 hộ có con bị di chứng chất độc da cam”.
Chia tay Nghị, em chào chúng tôi bằng một nụ cười và ánh lên trong đôi mắt của em dường như là một sức sống mãnh liệt.
Hồ Biên Hùng bị cảnh báo là nhiễm độc dioxin
Em muốn làm bác sĩ
Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà em Trần Minh Thư, 17 tuổi ở cách nhà Nghị không xa. Em khoanh cánh tay gầy gò trên ngực và chào chúng tôi bằng giọng nói ngọng nghịu rất khó nghe. Em cũng là nạn nhân của chất độc da cam nhưng mức độ ảnh hưởng có phần nhẹ hơn so với em Trần Hữu Nghị. “Con tôi nói không được rõ nhưng vẫn có trí nhớ, nhưng tay chân của nó yếu lắm, nhất là tay phải nên đi học nó viết bằng tay trái” - mẹ của Thư, bà Đỗ Thị Nguyệt cho biết.
Được biết em đang học lớp 8 ở trường THCS Võ Trường Toản. Em khoe với chúng tôi: “Hết Hè này em lên lớp 9, suốt năm học qua em đạt học sinh khá. Ước mơ của em lớn lên sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người”. Rồi em lại kể thêm, sau khi học về em không đi chơi mà ở nhà phụ mẹ bán gánh bún riêu, nhưng chỉ rửa chén và bưng dĩa rau cho khách thôi. Vì tay em yếu không thể bưng cả tô bún nóng cho khách được.
Cũng như trường hợp gia đình em Nghị, mẹ em Thư kể lại: “Nhà có 3 đứa con, 2 đứa đầu thì bình thường. Có thằng út này là bị nhiễm chất độc da cam. Trước đây tôi sống cạnh sân bay và trồng rau muống từ năm 10 tuổi. Hồi đó tôi lấy nước ở sân bay tưới rau mà thấy ngọn rau nào cũng bị quăn lại nhưng không biết tại sao, chân thì bị lở lói và trong không khí cứ bay mùi thuốc ổi. Thực ra lúc đó tôi chẳng biết gì về chất độc da cam hết”.
Đến ngày hôm nay, nhiều hộ dân như gia đình em Nghị, em Thư... đã nhận ra họ sống và bị hủy hoại bởi loại độc chất mang tên dioxin, hay dân vẫn gọi là chất phát quang của Mỹ. Thế nhưng điều đó đã quá muộn màng khi những thế hệ sau phải gánh chịu hậu quả tàn khốc này.
Tuy nhiên điều an ủi và làm ấm lòng cho họ lúc này chính là sự quan tâm của toàn xã hội. Hiện em Nghị, em Thư được các nhà hảo tâm chăm lo nuôi dưỡng suốt đời, em Thư được cấp học bổng “Tiếp sức đến trường” để nuôi dưỡng ước mơ của mình. Dù độc chất da cam có thể tàn phá cơ thể các em, nhưng không thể tàn phá được tâm hồn và niềm tin trong cuộc sống.
Bài 2: Niềm hy vọng cuối cùng
Phóng sự của Thái Nguyên - Anh Đức