Mô hình trồng rau thủy canh ở Phú Quốc: Nguồn rau xanh mới cho huyện đảo

Thứ Sáu, 23/12/2016 16:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nông dân huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng trên đảo, nhất là khách du lịch.

 

Điển hình là các mô hình trồng rau màu của nông dân xã Cửa Dương; trong đó, có mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh.

 

Trồng rau thủy canh là một phương pháp mới, rất tiết kiệm đất, hiệu quả, đặc biệt còn giúp rau cách ly với nguồn sâu bệnh, nước ô nhiễm, tránh độc tố. Xuất phát từ ý tưởng trồng rau sạch để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình và qua thời gian tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ sách báo và thực tế tại các nhà vườn ở Củ Chi, Đà Lạt, anh Tăng Dục Dương ở ấp Gành Gió, xã Cửa Dương cho hay rất hứng thú với việc trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh.


Giàn rau trên đảo. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN

Từ đó, anh Dương quyết định mở rộng sản xuất để phục vụ thị trường. Khởi đầu vào năm 2014, anh Dương chỉ có 250 m2 nhà lưới nhưng đến nay trên diện tích đất vườn nhà, gia đình đã xây dựng được 1.000 m2 nhà lưới cùng hệ thống tưới tiêu, giá trồng rau thủy canh theo công nghệ tiên tiến mới.

Riêng đối với hệ thống giá trồng rau thủy canh, do sử dụng thiết bị, vật liệu nhập ngoại giá thành rất cao nên anh Dương đã tìm tòi, sáng tạo, tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương. Nhờ đó, giảm được giá thành, mà hiệu quả sử dụng không thua kém vật liệu nhập ngoại.

Qua hai năm thực hiện, hiện mô hình trồng rau thủy canh của anh Dương đã và đang trồng nhiều loại rau xanh, như cải ngọt, cải xanh, cải bẹ dúng, xà lách, rau muống, cà chua… cho thu hoạch mỗi ngày từ 40 - 50 kg rau sạch các loại.

Dù giá thành của rau sạch trồng bằng phương pháp thủy canh tương đối cao so với rau trồng bằng phương pháp truyền thống, bình quân là 40.000 đồng/kg nhưng không đủ để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn.

Tuy đầu tư trồng rau thủy canh thời gian thu hồi vốn lâu, khoảng 4-5 năm, nhưng do rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng, nhất là đối với các dịch vụ phục vụ du lịch nên anh Dương vẫn quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là thiếu vốn và hạn chế về kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo ông Lê Đình Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Quốc, địa phương đang phát triển mô hình trồng rau màu phục vụ cho bà con trên huyện đảo vì trước đây nguồn rau xanh phục vụ người dân hàng ngày luôn thiếu. Nếu nhập nguồn rau xanh từ đất liền cũng phải chi phí tốn kém nên giá thành khá cao. Vì vậy, nhiều hộ nông dân, chủ yếu ở thị trấn An Thới và xã Cửa Dương đã mạnh dạn trồng rau xanh để phục vụ bà con tại địa phương.

Thế nhưng, đất ở đây cũng chỉ thích hợp với một số loại rau, củ quả nhưng khó khăn nhất vẫn là nước tưới. Sau thời gian trồng, người dân dần học hỏi, rút kinh nghiệm và đến nay đã trồng được nhiều loại rau, củ quả. Hiện ở hai địa phương này có gần 30 ha trồng rau, củ quả, nhưng chủ yếu tập ở xã Cửa Dương vì đất đai phù hợp với việc trồng rau xanh và các loại củ, qua và có nguồn nước quanh năm phục vụ tốt cho việc tưới tiêu.

Gia đình chị Hoàng Thị Duệ ở tổ 4, ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương có 3.000 m2 đất trồng rau. Dù không theo phương pháp thủy canh nhưng gia đình vẫn biết cách trồng, chăm sóc để đưa ra thị trường rau sạch.

Chị trồng các loại rau, bí xanh và mướp đắng và ngày nào cũng kiểm tra kỹ sâu bệnh. Mỗi ngày, chị tưới hai lần và quá trình bón phân được gia đình thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ Trung tâm khuyến nông tập huấn và qua đúc kết kinh nghiệm trồng rau nhiều năm. Dù thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ chăm sóc tốt nên gia đình vẫn đủ nguồn rau phục vụ cho các nhà hàng, quán ăn, nhất là vào dịp cuối năm khách du lịch đến huyện đảo nhiều hơn.

Nghề trồng rau ở Phú Quốc mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những người dân cần cù, chịu thương, chịu khó và biết áp dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt. Gia đình chị Đỗ Thị Lệ Diễm, tổ 8, ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương có trên 3.000 m2 diện tích đất trồng các loại rau xanh. Theo chị Diễm, trung bình, mỗi ngày chị cắt bán cho thương lái từ 20 - 30 kg, hàng tháng cho thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng.

Tuy nhiên, muốn nhân rộng mô hình trồng rau xanh theo cách thủy canh, ngành chức năng cần quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ người dân về vốn, giống, kỹ thuật để phát triển sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng và du lịch của địa phương.

Lê Sen

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›