Ngại trạm y tế phường, xã
Do các trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy, phòng khám ngoại trú thuộc y tế dự phòng quận, huyện không được thanh toán bảo hiểm y tế nên ngành y tế khuyến khích đưa bệnh nhân HIV về các trạm y tế và thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế cho họ tại các trạm y tế. Mặc dù vậy, số bệnh nhân HIV/AIDS chuyển về trạm y tế còn thấp và bệnh nhân HIV/AIDS có bảo hiểm y tế có tâm lý lo ngại khi đến các trạm y tế để khám chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Bắt đầu từ năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm phân cấp đưa số bệnh nhân HIV/AIDS đã ổn định sức khỏe về trạm y tế phường, xã (Quận 8 và Thủ Đức) để quản lý, theo dõi đồng thời để họ được thanh toán bảo hiểm y tế, song đến nay mới có 30 - 35% số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế.
Theo bác sĩ Trần Hưng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Quận 8: Quận 8 thí điểm đưa bệnh nhân HIV/AIDS về hai phường 16 và 9 nhưng số người nhiễm tự nguyện về trạm y tế phường xã rất thấp chỉ khoảng 10% vì họ ngại, sợ bị mọi người biết mình bị HIV/AIDS nên không muốn về phường, xã gần nơi cư trú để được theo dõi và khám chữa bệnh.
Trong số những người nhiễm được quản lý tại trạm y tế cũng chỉ có vài người có thẻ bảo hiểm y tế. Như trạm y tế phường 16 đang quản lý 16 bệnh nhân HIV/AIDS nhưng chỉ có 4 người có bảo hiểm y tế vì 4 người này vẫn còn đi làm được trong các công ty nên họ được mua bảo hiểm theo hợp đồng lao động.
Dù không đăng ký khám bảo hiểm y tế tại trạm y tế nhưng nếu họ tới đây khám vẫn được thanh toán 100%, trong đó 30% do trái tuyến của họ sẽ được quỹ hỗ trợ của thành phố chi trả. Thế nhưng, 4 người này chỉ đến trạm y tế để lấy thuốc ARV chứ không đến đây để khám chữa bệnh khi mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, theo các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh phía Nam, rất khó vận động bệnh nhân HIV/AIDS về trạm y tế xã, phường để nhận thuốc ARV và khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Long An chia sẻ: Chúng tôi đã đi khảo sát và tập hợp người nhiễm để đưa họ về tuyến xã nhưng không thành công. Bệnh nhân HIV/AIDS vẫn chấp nhận việc hàng tháng họ phải vất vả lên Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để lấy thuốc và lên Bệnh viện tỉnh để chữa bệnh thay vì về trạm y tế phường, xã dù thuận tiện hơn trong đi lại. Một khi người nhiễm HIV đã ngại về trạm y tế phường xã thì sẽ rất khó triển khai khám và chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS. Nếu cứ kéo dài như vậy, nguy cơ bỏ trị của người nhiễm HIV có thể xảy ra.
Đưa phòng khám ngoại trú vào hệ thống y tế công
Theo các chuyên gia, để triển khai bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS thành công, ngành y tế nên triển khai thanh toán bảo hiểm y tế cho các phòng khám ngoại trú, các trung tâm tư vấn xét nghiệm HIV thuộc y tế dự phòng bởi phần lớn người nhiễm HIV/AIDS của các tỉnh đều tự nguyện về đây để được theo dõi và khám chữa bệnh. Trên thực tế, ở một số tỉnh như An Giang, Nghệ An... đã linh hoạt trong việc lồng ghép dịch vụ và sử dụng bảo hiểm y tế trong việc khám chữa bệnh ngoại trú cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Bác sĩ Dương Hoàng Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết: Từ tháng 4/2012, huyện Tịnh Biên đã đưa phòng khám ngoại trú thành một phòng khám của bệnh viện đa khoa. Cụ thể, phòng khám ngoại trú được lồng ghép với các khoa của bệnh viện như khoa sản để dự phòng HIV từ mẹ sang con, lồng ghép với khoa xét nghiệm và khoa dược để điều trị các bệnh cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS…
Cách làm này ngoài việc giúp phòng khám ngoại trú được đầu tư thêm cơ sở vật chất cũng như được các bác sĩ ở bệnh viện về hỗ trợ, còn giúp người nhiễm HIV/AIDS được thanh toán bảo hiểm y tế khi đến khám tại phòng khám ngoại trú. Song song đó, việc phòng khám ngoại trú trở thành một phòng khám của bệnh viện đã góp phần thúc đẩy sự tham gia bảo hiểm y tế của bệnh nhân HIV/AIDS.
Đến nay, huyện Tịnh Biên đã 415/542 bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế (chiếm 76,5%). Nhờ đó, bảo hiểm y tế đã góp phần giảm chi khoảng 60 triệu đồng từ các dự án quốc tế cho việc chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội và khám cận lâm sàng cho người nhiễm HIV/AIDS.
Dựa trên kết quả thực hiện lồng ghép và sử dụng bảo hiểm y tế cho người bệnh HIV/AIDS tại một số tỉnh, ngành y tế đang đẩy mạnh chuyển đổi chức năng của các phòng khám ngoại trú.
Theo Thạc sĩ Võ Hải Sơn, chuyên viên Cục phòng, chống HIV/AIDS: Hiện vẫn còn khoảng 50% số phòng khám ngoại trú thuộc các dự án quốc tế hoặc trung tâm y tế huyện một chức năng (tức trung tâm y tế dự phòng), do đó hướng sắp tới sẽ chuyển các phòng khám này thành phòng khám HIV/AIDS thuộc khoa khám bệnh của các bệnh viện.
Như vậy, khi tới khám tại các phòng khám bằng bảo hiểm y tế, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được thanh toán 100%. Đồng thời để tăng tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế, ngành y tế sẽ huy động tối đa ngân sách Nhà nước (của cả trung ương và địa phương) để giúp người nhiễm tiếp cận được bảo hiểm y tế như sẽ hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo thuộc 62 huyện khó khăn hay mới thoát nghèo và hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ cho bệnh nhân hộ cận nghèo.
Với những cách làm này, ngành y tế sẽ từng bước tiếp quản bền vững việc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS sau khi các dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế rút đi.