(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 7/5, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra cơn mưa lớn kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ đã làm nhiều tuyến đường chìm trong biển nước, nhiều phương tiện lưu thông bị chết máy.
- TP.HCM: Ngừng thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
- Nước lũ lên trở lại, thành phố Huế vẫn ngập nhiều nơi
Theo phần mềm cảnh báo ngập nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, khu vực giao nhau giữa đường Tô Ngọc Vân và Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) bị ngập hơn 30cm khiến các phương tiện giao thông qua lại khó khăn.
Trong khi đó, đường Lê Văn Việt đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Lê Lợi, quận 9 bị ngập gần 30cm. Tương tự, đường Lã Xuân Oai đoạn từ đường Man Thiện đến đường 379 bị ngập nặng gần 50cm, các xe máy không thể qua lại đoạn đường này. Đặc biệt, khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) bị ngập gần 1m khiến nhiều xe máy bị chết máy phải dắt bộ, ô tô qua lại vô cùng khó khăn.
Cơn mưa lớn xảy ra vào khoảng 2 giờ 30 cùng ngày, tập trung chủ yếu ở các quận 1, quận Bình Thạnh, quận 2 và quận 9. Đến khoảng 15 giờ 30 mới tạnh. Do lượng mưa lớn đổ xuống nhanh khiến nhiều tuyến đường không kịp thoát nước bị ngập sâu, chìm trong biển nước. Hàng loạt phương tiện lưu thông qua các khu vực này gặp nhiều khó khăn và bị chết máy.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, chiều 7/5, mây đối lưu phát triển mạnh, gây mưa rào và dông trên diện rộng tại khu vực Nam bộ, trong cơn dông có kèm theo gió giật mạnh, lốc xoáy.
Được biết, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh có máy bơm nước chống ngập. Tuy nhiên, khi xảy ra mưa lớn vẫn bị ngập. Đến khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, tuyến đường vẫn còn ngập khoảng 20cm.
Trước đó, cơn mưa lớn kèm gió mạnh vào tối 6/5 đã làm bật gốc một cây cổ thụ đường kính gốc gần 1m, cao khoảng 20m, kéo theo một cột điện bên đường bị gãy ở phường Linh Đông (quận Thủ Đức). Cây bật gốc chắn ngang đường khiến lực lượng chức năng phải phong tỏa khu vực, hàng trăm hộ dân trong khu vực bị mất điện nhiều giờ liền do tuyến đường điện nối vào UBND phường Linh Đông bị cắt.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, thời kỳ bắt đầu mùa mưa năm 2018 ở khu vực Nam bộ xấp xỉ hoặc muộn hơn ít ngày so với trung bình nhiều năm, các địa phương trong khu vực có mùa mưa bắt đầu từ ngày 5-15/5.
Ở thời kỳ chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa thường có các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to trong thời gian ngắn, dông mạnh kèm lốc, tố, sét.
TTXVN
Tags