(Thethaovanhoa.vn) - Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ trên cao, được xây dựng để phục vụ vận tải hành khách công cộng, giải quyết một phần nhu cầu đi lại của nhân dân về phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội.
Toàn tuyến dài 13,05 km, gồm 12 nhà ga trên cao, khi đi vào hoạt động sẽ có 13 đoàn tàu với 4 toa xe chạy liên tục, khối lượng vận chuyển khoảng hơn 1 triệu lượt người/ngày; dự kiến năm 2015 sẽ đi vào khai thác.
Dự án đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án trọng điểm quốc gia, có diện tích đất thu hồi trên địa bàn Hà Đông là 37,8 ha, liên quan đến 1.198 hộ gia đình và 22 tổ chức. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 GPMB hạng mục khu trung tâm đề - pô; giai đoạn 2 - đường dẫn vào trung tâm đề - pô và giai đoạn 3 - điểm xây dựng các nhà ga, trụ cầu, đường tránh quốc lộ 6.
Vừa qua, TP Hà Nội đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, UBND quận Hà Đông đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 21 hộ dân tại phường Phú Lương trong diện giải phóng mặt bằng hạng mục xây dựng đường dẫn vào khu đề-pô (nhà ga) dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông để bàn giao cho chủ đầu tư phục vụ thi công dự án.
Hạng mục đầu tư xây dựng đường dẫn vào khu đề-pô có tổng diện tích thu hồi 68.710m2, thuộc địa bàn 3 phường Phú La, Phú Lãm và Phú Lương (Hà Đông). Trong đó, diện tích thuộc địa bàn phường Phú Lương hơn 50.000 m2, với 293 hộ phải thu hồi đất.
Tuyến đường sắt này sử dụng công nghệ đường sắt nhẹ trên cao của Trung Quốc, có hệ thống kiểm soát tàu tự động cùng với điều khiển của lái tàu, cổng thu soát vé tự động, công nghệ thẻ không tiếp xúc. Tốc độ khai thác tàu tối đa 80km/giờ và có 13 đoàn tàu với 4 toa/tàu hoạt động, giãn cách đoàn tàu từ 4-6 phút.
Tử Yến
Tags