Bản dự thảo báo cáo của Bộ VH,TT&DL đã nhắc tới những tiêu cực còn tồn tại trong mùa lễ hội năm nay như nạn ném, cài tiền vào tượng Phật, quy hoạch hàng quán dịch vụ thiếu hợp lý, sử dụng một số đèn lồng in tiếng nước ngoài và không phù hợp với văn hóa Việt... Tuy nhiên, so với những năm trước, điểm nổi cộm của mùa lễ hội năm nay nằm ở "vấn đề" vàng mã.
Khi nghị định... vướng nhau
Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL, từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103 về quản lý văn hóa nơi công cộng (hiện vẫn còn hiệu lực). Nghị định này có quy định rõ về việc cấm đốt vàng mã nơi công cộng hay di tích văn hóa lịch sử. Còn Nghị định 158 thì ghi rõ: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử văn hóa". Việc xuất hiện thêm 5 chữ " không đúng nơi quy định" này đã khiến khá nhiều cơ quan quản lý văn hóa địa phương phải... đau đầu.
"Hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa đều xây những bồn, lư riêng để đốt vàng mã. Nếu chiếu theo Nghị định 103, khách thập phương tới đây và đốt vàng mã là sai"- ông Phúc phân tích. "Nhưng theo Nghị định 158, nếu không đốt bừa bãi tại các bãi trống mà tìm tới những bồn, lư này để đốt, họ lại không sai vì đó là nơi... quy định".
Trong nhiều năm qua, đây luôn là vấn đề khiến các ngành quản lý bức xúc, vì ngoài tác động tiêu cực về ô nhiễm môi trường, còn là vấn đề lãng phí tiền bạc. Có thời điểm, tính toán sơ bộ cho thấy lượng vàng mã, đồ mã được đốt trong năm lên tới 50.000 tấn và có trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Hạn chế, chứ không nên cấm
Trong cách gọi chung hiện nay, khái niệm "vàng mã" vẫn thường được sử dụng theo nghĩa bao gồm cả "đồ mã" (những đồ làm bằng giấy) chứ không chỉ là những tờ giấy có 2 màu đỏ - vàng như truyền thống. Bởi vậy, khá nhiều đại biểu tại hội nghị tỏ ra bức xúc về tình trạng đốt tràn lan những ngựa, hình nhân, ti vi, ô tô và cả voi to như voi thật... bằng giấy tại các cơ sở thờ tự. TS Trần Hữu Sơn (Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai) cho biết: “Vài năm trước đã có trường hợp du khách mang hẳn một con voi giấy với kích cỡ to như voi thật vào đền Bảo Hà để đốt và gây phản cảm cho cộng đồng".
Trước đó, theo yêu cầu của Bộ VH,TT&DL, Viện Văn hóa Nghệ thuật VN đã tiến hành một đợt nghiên cứu và khảo sát sơ bộ về tục đốt vàng mã truyền thống. Báo cáo được PGS Lương Hồng Quang cung cấp cho thấy: từ khá lâu, đốt vàng mã vẫn là nghi thức được thực hiện một cách trân trọng và thành kính trong tín ngưỡng, tôn giáo VN - khi hành động này được coi là phương tiện thể hiện sự giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên. "Một thời gian dài trước đây, chúng ta không duy trì nghi thức này. Do vậy, khi xuất hiện trở lại, việc đốt vàng mã bùng nổ một cách thái quá và kèm theo cả những sai lệch về ý nghĩa văn hóa, tâm linh mà người đương đại gắn cho nó"- ông Quang nói.
PGS Quang cho rằng ý tưởng bài trừ vàng mã là chưa phù hợp. Thay vào đó, ngành quản lý nên kiên nhẫn tìm biện pháp để giáo dục cộng đồng hiểu về ý nghĩa và cách thực hiện nghi thức này sao cho văn minh. “Chúng tôi thấy rằng sự vào cuộc của trụ trì, chủ cơ sở thờ tự là rất cần thiết. Họ là những người có vị thế và uy tín để hướng dẫn người dân tại các địa điểm này. Đó là điều chúng ta có thể làm được” - ông Quang nói.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa