(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, nhiều người dân phải chạy đôn chạy đáo xếp hàng chờ chụp hình chân dung thuê bao điện thoại di động tại các nhà mạng với tâm trạng mệt mỏi, bức xúc. Vậy việc chụp hình chân dung thuê bao có đúng luật và công bằng?
- Cập nhật thông tin thuê bao di động: Cộng đồng mạng ‘sôi sục’ trước cách 'ứng xử' của nhà mạng
- Đòi ảnh chân dung, nhà mạng phải cam kết bảo mật thông tin thuê bao
- Nhà mạng âm thầm ‘móc túi’ khách hàng tỷ đồng bằng dịch vụ
Để là rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh.
* Thưa ông, xét góc độ giao dịch giữa mua và bán, nhà mạng có quyền yêu cầu khách hàng làm điều đó?
- Trước thời điểm có hiệu lực của NĐ 49/2017 (24/4/2017) thì việc quản lý các chủ thuê bao di động vẫn áp dụng theo các quy định tại NĐ 25/2011 của Chính phủ. Trong quy định cũ, các nhà mạng không yêu cầu các chủ thuê bao phải chụp hình trực tiếp tại các điểm đăng ký thuê bao di động và việc làm này là thoả thuận giữa các bên trong quan hệ dân sự theo pháp luật dân sự.
Kể cả sau ngày NĐ 49/2017 của Chính phủ có hiệu lực thì việc chụp hình trực tiếp tại các điểm giao dịch cũng chỉ áp dụng đối với người trực tiếp đến các điểm đăng ký thuê bao để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chứ không áp dụng đối với các chủ thuê bao bổ sung qua hình thức online.
Theo đó, các nhà mạng phải có nghĩa vụ tạo điều kiện cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc này cho người dân (cả trực tiếp lẫn qua mạng). Thậm chí, nhà mạng vẫn có thể tổ chức gặp trực tiếp cá nhân hoặc doanh nghiệp để họ bổ sung thông tin nếu các nhân hoặc doanh nghiệp đó không có điều kiện thực hiện 2 kênh bổ sung trên.
Như vậy, việc tổ chức cả 3 kênh trên để người dân thực hiện việc bổ sung thông tin thiếu là nghĩa vụ của nhà mạng và các chủ thuê bao được hưởng các quyền này hợp pháp. Tức là nếu nhà mạng không tổ chức cả 3 kênh kia thuận lợi cho người dân thì người dân không có nghĩa vụ phải bổ sung thêm thông tin thuê bao còn thiếu cho nhà mạng.
* Vậy việc tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo có đúng luật không, thưa ông?
- Nếu nhà mạng đã tổ chức 3 kênh trên mà chủ thuê bao vẫn không chịu hợp tác và bổ sung theo yêu cầu của pháp luật thì nhà mạng có quyền thực hiện theo điểm e khoản 8 điều 1 của NĐ49/2017 của Chính phủ.
Tức là “tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện”.
* Nhiều người cho rằng, nếu cắt liên lạc (1 hay nhiều chiều) họ sẽ kiện. Vậy có kiện được không và nếu kiện thì dựa trên căn cứ nào?
- Theo các phân tích ở trên, nếu nhà mạng không tổ chức cả 3 kênh để người dân bổ sung các thông tin thiếu mà tiến hành cắt liên lạc các thuê bao, người dân hoàn toàn có thể kiện các nhà mạng ra toà án có thẩm quyền để giải quyết và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.
Văn bản pháp luật để bảo vệ là NĐ 49/2017, Luật Viễn thông, Bộ luật Dân sự, …..
* Nhiều người cho rằng, đã ký hợp đồng dịch vụ thì phải thương lượng chứ sao nhà mạng dám đơn phương muốn làm gì thì làm, vậy trách nhiệm của nhà mạng hiện nay là gì, thưa ông?
- Theo các quy định của pháp luật dân sự của Việt Nam thì chính xác là như vậy. Tuy nhiên, đây là hậu quả của quá trình bán sim rác tràn lan vừa qua của các đại lý nhà mạng, thiếu kiểm tra giám sát của nhà mạng và cơ quan quản lý nhà nước.
Do vậy, tình trạng sim lộng hành, gửi các tin nhắn rác đến nhiều số thuê bao di động thời gian qua và gây nhiều sự phiền hà cho người dân, thậm chí làm mất an ninh trật tự và gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý các thông tin của chủ thuê bao.
Theo đó, các nhà mạng nếu không thực hiện tốt cả 3 kênh bổ sung thông tin trên mà cắt hợp đồng các thuê bao thì trách nhiệm thuộc về các nhà mạng. Ngược lại, nếu các chủ thuê bao không thực hiện nghiêm theo các văn bản pháp luật hiện hành thì sẽ bị xử lý vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.
Các nhà mạng vì vậy phải tạo điều kiện tối đa cho người dân để bổ sung thêm thông tin thiếu qua 3 kênh như đã nói ở trên. Tuy nhiên, thời gian qua các nhà mạng chưa thực hiện tốt việc thông báo đến các chủ thuê bao qua các kênh. Cụ thể, phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.
Thế nhưng, chỉ gần đến này hết hạn 24/4/2018 thì nhà mạng mới dồn dập thông báo cho các chủ thuê bao, khiến tình trạng chen lấn, xếp hàng để chụp chân dung tại các nhà mạng bị quá tải, làm mất rất nhiều thời gian cho các chủ thuê bao.
Ngoài ra, trách nhiệm của các nhà mạng về quản lý các đại lý bán sim rác trên thị trường cũng rất lớn, đang vi phạm rất nghiêm trọng và thuộc hành vi bị cấm trong pháp luật về viễn thông.
Cụ thể, việc nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao khi chưa thực hiện, hoàn thành việc giao kết hợp đồng mua bán theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định và việc thiếu sự thanh kiểm tra của các nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước đã gây rắc rối và phiền hà cho người dân hiện nay.
Theo Báo Tin tức
Tags