Thật đáng trân quý biết nhường nào khi trong niềm hân hoan đoàn viên, họ vẫn hỏi han bao giờ lại ra khơi. Đó là một lời hứa trở lại với biển cả, là lời thề giữ vững biển khơi với Tổ quốc.
Vui sao nước mắt lại trào…
Khi chúng tôi đến, các anh đang ngồi cùng nhau cà phê với điếu thuốc trên tay và nói chuyện vui vẻ như chưa hề trải qua chuyện gì. Những giọng nói mặn mà vị biển, những khuôn mặt đen nhẻm nắng vẫn bình thản đến lạ. Với cái chân quấn đầy bông băng, sưng phồng vì bị mảnh kính vỡ cắt, anh Nguyễn Huỳnh Bá Biên (28 tuổi) kể lại khoảnh khắc bị nạn: “Khi bị tàu Trung Quốc đuổi thì mình chạy vì tàu họ rất lớn, phải đảm bảo an toàn tính mạng trước. Một mặt họ truy đuổi tàu mình, mặt khác cho 3 tàu lớn chặn ngay trước đường thoát, đâm thẳng vào mình khiến tàu bị lật úp. Lúc ấy, tàu ra biển được 16 ngày rồi, đã thu được sản lượng hải sản khá lớn. Khi tàu bị nạn, tôi đang ở trong cabin, tìm cách bơi ra nên bị các mảnh vỡ của kính và bóng đèn cắt nhiều phần vào tay và chân. Ngay sau khi tàu bị nạn, tàu Đna 90508 đã đến, đưa anh em lên kịp thời. Tàu VT 27 thì lai dắt tàu bị nạn về Lý Sơn tối 30/5 mới về Đà Nẵng được”.
Càng giận dữ khi nói về sự truy đuổi của tàu Trung Quốc bao nhiêu, thì anh Biên càng tình cảm khi kể về gia đình bấy nhiêu. “Tàu con bị chìm rồi nhưng anh em trên tàu vẫn an toàn mẹ ạ” - anh Biên chỉ kịp báo cho mẹ như thế. Và với người mẹ già ở nhà, mấy ngày chờ mong con về tưởng như dài cả thế kỷ. Bà thức đến tận khuya 29/5 chỉ để nhìn “thằng bé” và sáng 30/5 dậy thật sớm để nấu món ăn con thích nhất - xáo bò chấm bánh mỳ.
Người trẻ nhất trên con tàu Đna 90512 mới chỉ 19 tuổi, em Nguyễn Văn Bình. Bình không có sự vạm vỡ của người đi biển mà ngược lại khá nhỏ bé, rụt rè. Bình kể: “Nhà em đã 3 đời đi biển, còn em thì đã ra khơi được 3 năm. Lúc đầu lênh đênh trên biển, em rất nhớ nhà, nhớ mẹ nhưng giờ đã quen rồi vì được các chú, các anh quan tâm lắm. Đây là lần đầu tiên em bị nạn nên rất sợ. Lúc tàu bị chìm, người đầu tiên em nghĩ đến là ba mẹ. Hôm 29/5, em về đến nhà khoảng 11h khuya. Mẹ nóng lòng đứng ngồi không yên, khi mới thấy em đã chạy ra ôm chầm. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc”.
Bà Lê Thị Thọ (40 tuổi), mẹ của Bình chia sẻ: “19 tuổi nhưng nó còn dại lắm. Người ốm yếu nhưng nó vẫn thích đi biển nên tôi chiều. Giờ, nó tai qua nạn khỏi về đây, tôi mừng lắm”.
Khác với sự vồn vã của bà Thọ, vợ ông Nguyễn Văn Hòa (54 tuổi), khi thấy chồng về chỉ nhẹ nhàng: “Ông đã về đây rồi”. Trong khi ông trò chuyện cùng 4 đứa con, bà dịu dàng nhìn ông với ánh mắt đầy xúc động, yêu thương.
Người miền biển xứ này là vậy. Trải qua bao nỗi đau trong nhiều cơn bão đã tôi rèn cho họ sự chịu đựng. Và có lẽ vì thế mà niềm vui sướng khi đón người thân trở về không thể thốt lên thành lời. Họ chỉ biết nhìn nhau, khóc trong sự hân hoan cho thỏa niềm thương, nỗi chờ. Ấy vậy mà, trong từng câu chuyện, họ lại động viên nhau tiếp tục ra khơi.
Tiếp tục ra khơi đánh bắt, giữ biển
“Từ thời ông cố nhà tôi đã đi biển, còn tôi đã hơn 30 năm gắn bó với nghề. Bão lên bão xuống như thế mà chả sợ thì chúng tôi việc gì phải sợ tàu Trung Quốc. Mình không ra khơi thì biển của mình sẽ mất, con cháu sau này sẽ không có ngư trường mà khai thác. Không đi biển, ở nhà mệt mỏi lắm” - ông Hòa, thuyền viên lớn tuổi nhất tàu nói.
Đúng là biển cả thì thiên tai rất nhiều nhưng giữa muôn trùng biển khơi, ngư dân dù ở quốc gia nào cũng đều chất phác, hiền hậu và yêu thương nhau. Từ bao đời nay, ngư dân Trung Quốc và Việt Nam “nước sông không phạm nước giếng”, thậm chí còn giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn. Vậy thì chẳng lý gì tự nhiên ngư dân Trung Quốc quay sang chọc phá, đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Ông Trần Văn Lĩnh - quyền Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Đà Nẵng bức xúc: “Họ dùng tàu vỏ sắt đâm vào chúng tôi, và cố ý đâm chìm khi quay lại lần 2. Khi tàu chìm, họ lại bỏ đi ngay, không quay lại. Đây là hành vi vô nhân đạo, cố ý giết người. Họ lu loa chúng tôi đánh bắt trên vùng biển của họ. Nếu chúng tôi là kẻ cướp thì họ phải đường hoàng bắt chúng tôi. Đằng này đâm xong lại chạy trốn. Đó là tâm thế của kẻ cướp. Ngư dân của chúng tôi không bao giờ sợ tàu Trung Quốc, còn biển là còn ra khơi”.
Thuyền trưởng Đặng Văn Nhân (41 tuổi) kiên quyết: “Thời gian gần đây, nhiều người ngồi trên tàu ngư dân Trung Quốc thường xuyên ném chai lọ thủy tinh và trộm cắt ngư cụ của tàu cá Việt Nam. Ngư dân Trung Quốc không bao giờ hành động như thế. Cả 4 anh em nhà tôi đều đi biển và chúng tôi mong muốn tàu nhanh được sửa chữa để còn ra khơi đánh bắt, giữ biển”.
Bà Đào Thị Mai, mẹ thuyền trưởng Nhân sốt sắng: “Không biết bao giờ tàu mới sửa xong để tụi hắn ra khơi nữa. Dù có cái giàn khoan nhưng vẫn phải gắng đi biển chớ. Trách nhiệm của bây, phải giữ cho được biển của mình. Còn sức khỏe là còn phải đi”.
Dù chỉ mới lên bờ được vài giờ đồng hồ, chưa kịp hết vị muối biển, những ngư dân này lại mong được đi biển sớm nhất. Đối với họ, tàu là nhà, ngư dân trên tàu là anh em và biển cả chính là quê hương. Và những ngư dân đang ngày đêm đánh bắt trên vùng biển chủ quyền Việt Nam - họ cũng là những chiến sĩ, những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền.
Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa
Tags