Người dân cần thuốc để đối phó với dịch bệnh sau lũ

Thứ Bảy, 23/10/2010 11:18 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Suốt những ngày mưa lũ, những chuyến hàng cứu trợ liên tiếp được chuyển tới đồng bào đang bị ngập chìm trong nước lũ. Những gói mì tôm, miếng lương khô, chai nước sạch… đã góp phần giúp người dân trụ vững khi bị cô lập trong biển nước.

Hiện nước đã bắt đầu rút, nhưng hơn lúc nào hết người dân vùng lũ đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt dịch bệnh sau lũ. Ngoài lương thực cứu đói họ còn mong được cấp thuốc men và hóa chất để tẩy trùng chống dịch.  

Nước đi, bệnh đến

Trời đã hửng nắng trở lại trong vài ba hôm nay, nhưng nước vẫn rút chậm như muốn trêu ngươi lòng kiên nhẫn của con người. Các hộ dân vẫn chưa thể về nhà để tiếp tục cuộc sống bình thường vì nhà cửa, đồ đạc còn chìm ngập trong dòng nước đục bẩn. Còn rất nhiều xóm, thôn vẫn còn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Đó là các xã vùng sâu của huyện Nam Đàn, các xã ven đê tả Lam của huyện Hưng Nguyên, một vài thôn xóm của huyện Nghi Lộc.


Vùng lũ đang cần phương tiện, thuốc men để chống lại dịch bệnh. Ảnh: Đại Nghĩa
Ông Nguyễn Viết Hòa, 67 tuổi xóm 1 xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn vui mừng khi nhận gói hàng cứu trợ, đây là lần thứ 2 ông được cấp phát lương thực và quần áo. Đã hơn một tuần nay ngôi nhà ông ngập sâu dưới 2m nước, không chỉ đồ đạc trong nhà bị ngập chìm trong nước mà gần 2 tạ thóc dự trữ cũng đã ngập chìm theo. Ông kể, nước về nhanh nên gia đình tôi đã không trở tay kịp. Vợ con đã đi sơ tán hết, tôi trụ lại để còn có gì thì xoay xở, trong xóm các nhà vẫn ngập lắm”. Đã 1 tuần nay ông chỉ ăn mì tôm sống và mì cũng đã gần cạn. Điều thiếu nhất lúc này đối với ông là nước sạch, thiếu chất đốt và cả thuốc men.
 
Tất cả 760 hộ dân xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, cùng trụ sở Đảng ủy, UBND xã, trường học, trạm y tế của Nam Phúc đều đang ngâm giữa biển nước. Phương tiện duy nhất để vào với bà con chỉ là hai chiếc ca nô nhỏ chở người và mì tôm, nước uống. Nên chuyến hàng cho dù được xếp lên thuyền “tham” hơn bình thường nhưng vẫn không đủ để cấp phát cho người dân. Nhà nào cũng phải cần cứu trợ.

Khi gặp chúng tôi chị Nguyệt ở xóm 5 đã khóc trong hai dòng nươc mắt: “Trong nhà mẹ thì ốm nặng, ngô lúa ngập nước hết. Hết lũ mẹ con tôi cũng chưa biết lấy gì mà sống”. Khi nhận lấy phần quà cứu trợ chị ao ước trong đó có nước uống và thuốc để cho mẹ già ốm yếu. Hiện nhiều gia đình bắt đầu có biểu hiện của bệnh sau lũ như nổi mẩn, ghẻ lở chân tay và đau mắt đỏ. Nguy hiểm nhất là triệu chứng tiêu chảy, nhất là khi nguồn nước sạch dự trữ đã hết.

Cục Y tế dự phòng cho biết, sau lũ lụt, vùng nước ngập thường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi phân, rác, xác động, thực vật chết thối rữa; chuồng trại gia súc, gia cầm, cống rãnh ngập trong nước khuếch tán chất thải bẩn vào nước. Từ nước, chất bẩn và mầm bệnh nhiễm vào đất, cây trồng, vật nuôi, nhà cửa, đồ dùng... Do đó rất dễ bùng phát các loại bệnh.

Nhiều trạm xá, bệnh viện vẫn ngập sâu

Trong ngày hôm qua, TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Nguy cơ dịch xuất hiện sau lũ là rất lớn, ngành y tế đã cấp hàng trăm cơ số thuốc phòng chống dịch tại chỗ, cùng hàng ngàn viên thuốc sát trùng cloramin B cho người dân và cử các đoàn y tế về tăng cường giúp các địa phương ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết: Qua báo cáo nhanh của các Sở Y tế, tại các tỉnh đã xuất hiện một số dịch bệnh như: đau mắt đỏ, tiêu chảy, nước ăn chân... và có nguy cơ cao xuất hiện các dịch bệnh khác sau lũ.

Hiện tỉnh Hà Tĩnh có 114 trạm y tế và 1 bệnh viện đa khoa huyện bị ngập; Nghệ An có 7 trạm y tế bị ngập nước; riêng tỉnh Quảng Bình nhiều trạm y tế tại huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Tuyên Hóa bị ngập sâu... Việc các trạm y tế, các bệnh viện huyện vẫn ngập chìm trong nước gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, bởi đó là các cơ sở y tế gần dân nhất.

Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam hỗ trợ đợt 1 gồm 1 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Bình, 500 triệu đồng cho tỉnh Hà Tĩnh, 400 triệu đồng cho tỉnh Quảng Trị và 200 triệu đồng cho Thừa Thiên - Huế. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh đã hướng dẫn các huyện, thành phố, các địa phương trong tỉnh nhiều biện pháp xử lý như hướng dẫn nhân dân sửa chữa các giếng nước, bể chứa nước và tiến hành để lắng lọc bằng thủ công nhằm giảm thiểu độ đục. Các hộ gia đình dùng cloramin B theo hướng dẫn của ngành y tế để khử trùng nước sinh hoạt trước khi sử dụng. Các công trình công cộng như trạm xá, bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc, đường làng, ngõ xóm và từng nhà dân dọn dẹp cây xanh bị đổ ngã tại các nơi bị thiệt hại do lũ lụt, gió lớn gây ra. Các huyện, thành phố ven biển tập trung dọn vệ sinh sạch các bãi tắm, cửa sông, bờ biển; huy động lực lượng để tập trung khắc phục các sự cố môi trường, sạt lở đất, sạt lở đường sá, chống cát chảy gây lấp ruộng đất canh tác...

Bộ Y tế có công văn đề nghị Công ty CP thiết bị y tế MEDINSCO và Công ty Dược TW III cấp 60 cơ số thuốc, 300.000 viên cloraminB và 150 chiếc áo phao cung cấp cho Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Quân khu 4 để phục vụ khắc phục hậu quả lũ lụt. Hà Tĩnh, tỉnh ngập nặng nhất, hiện đã tiếp cận được đến tất cả các hộ dân để tiếp tế lương thực và nước uống. Hai tỉnh Quảng Bình và Nghệ An đang chỉ đạo huy động toàn bộ nguồn lực, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và sự ủng hộ của đồng bào cả nước để khắc phục hậu quả nặng nề của 2 đợt lũ vừa qua. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương phòng dịch sau lũ.

Đại Nghĩa - Quốc Hoàn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›