Cách bia tưởng niệm chừng hơn trăm mét là nhà bác Văn Công Mịch, bác là người đã thờ Chu Cẩm Phong và đồng đội suốt hơn 30 năm qua. Chính bác và những người hàng xóm đã chôn cất anh Phong cùng đồng đội ngày ấy.
Cúng giỗ như người thân trong nhà
Bác kể: “Mấy anh chị đó chết bi thương lắm. Mãi 5 ngày sau, khi bọn Mỹ - ngụy rút, tôi cùng những người hàng xóm mới dám đi lấy xác anh Phong và các đồng đội. Bốn xác liệt sĩ được chúng tôi chôn theo một thứ tự dễ nhớ. Mà hồi đó cũng may là chúng tôi chôn cạnh khe nước bên gốc cây duối chớ không chôn trên đất thổ bởi sau đó mấy tháng bọn địch đem xe về ủi trắng cả làng. Lớp đất bị cày xới đã đắp thêm đất cho những ngôi mộ”.
Bác Văn Công Mịch và chị PL - nhân vật nữ trong nhật ký Chu Cẩm Phong - trước bàn thờ anh nhân ngày giỗ 1/5/2010 |
Tôi nhìn ban thờ, thấy di ảnh của anh Chu Cẩm Phong và hỏi vì sao bác lại thờ riêng mình anh Phong, bác Mịch nói gia đình mình thờ Chu Cẩm Phong và các đồng chí cùng hi sinh dưới hầm hôm đó chứ không chỉ thờ riêng anh Phong. Nhưng mới đây, nhân dịp cuốn Nhật ký chiến tranh của anh Chu Cẩm Phong được xuất bản, nhà thơ Bùi Minh Quốc trong một lần về thăm Duy Tân, biết bác đang hương khói cho anh Phong cùng đồng đội nên đã gửi cho bác tấm ảnh này để bác thờ.
Tôi nhìn kỹ tấm ảnh Chu Cẩm Phong trên ban thờ, phía dưới tấm ảnh là chữ của nhà thơ Bùi Minh Quốc “Thân gửi anh Văn Công Mịch cùng các bạn đã tham gia kháng chiến và các bạn trẻ ở Duy Tân”. Bác Mịch nói, mỗi năm đến ngày giỗ anh Phong, ngày 1/5, gia đình tôi lại làm cơm cúng, cũng đầy đủ thức cúng và nghi thức như giỗ người thân trong nhà.
Tôi hỏi bác bắt đầu thờ anh Phong từ khi nào, bác nói: Tôi nghĩ khi các anh ấy sống, các anh ấy ăn, ở cùng mình thì chết đi cũng quanh quẩn đâu đây gần thôi, mình phải lập ban thờ để các anh, các chị ấy có nơi đi về cho ấm áp. Sau giải phóng tôi làm bí thư xã nên bận lắm, sau đó tôi ra Bắc đi học miết, mãi năm 1980 tôi trở về mới lập bàn thờ để hương khói cho vong linh các anh, các chị ấy.
Hy vọng về một con đường, công viên mang tên anhAnh Hồ Bé, cán bộ văn hóa xã Duy Tân cho tôi biết cách đây 5 năm, xã đã lập một dự án trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đề nghị xây dựng nơi đặt bia tưởng niệm Chu Cẩm Phong thành một công viên văn hóa mang tên “Công viên Chu Cẩm Phong”. Dự án công viên rộng hơn hai ngàn mét vuông, phục dựng và tái hiện lại căn hầm bí mật hình chữ L bên cạnh con suối nhỏ. Công viên này cùng với bia tưởng niệm sẽ là một công trình văn hóa để nhắc nhở cho các thế hệ mai sau về một thời kỳ hào hùng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Bàn thờ Chu Cẩm Phong tại nhà bác Văn Công Mịch ở xã Duy Tân |
Tôi rời Duy Tân, chia tay bác Lê Yến, bác Văn Công Mịch, những người đã từng sống, từng chiến đấu với Chu Cẩm Phong, trong cuộc sống bộn bề vẫn hàng ngày chăm sóc, quét dọn, sơn vôi cho khu vực bia tưởng niệm, vẫn làm đám giỗ anh hàng năm như đám giỗ người ruột thịt trong gia đình. Chia tay Hồ Bé, người cán bộ văn hóa xã sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, đang ngày đêm theo đuổi ý định xây dựng cho được công viên văn hóa tri ân thế hệ đi trước.
Nước sông Thu Bồn mùa này vẫn mênh mang, bên bờ sông, ngô, khoai và những nương dâu đang xanh mướt mắt, một màu xanh ngút ngàn. Tôi cứ nghĩ rồi đây sẽ có công viên Chu Cẩm Phong ở Duy Xuyên, sẽ có con đường hoặc ngôi trường mang tên anh ở Hội An. Những dự định tốt đẹp ấy sẽ sớm được thực hiện bởi việc tri ân một người như Chu Cẩm Phong, một người mà nhà văn Nguyên Ngọc, cũng là đồng đội, đồng chí của anh trong những năm kháng chiến chống Mỹ từng nhận định: “Chu Cẩm Phong là một trong những con người thật tiêu biểu, tập trung rất cao những nét chính yếu của một thế hệ và một thời tốt đẹp của văn học nghệ thuật chúng ta”.