Mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì chia sẻ, đốt vàng mã một cách quá hoang phí là việc làm có tội.
Đến chùa Quán Sứ, nơi được coi là Quốc tự của Việt Nam dịp đầu năm Nhâm Thìn, có thể nhận thấy khói luôn nghi ngút bốc lên tại hai chiếc lò hóa vàng đỏ lửa đặt ở ngay cổng chùa.
Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ cho biết nhà chùa đã nhiều lần xây lại lò hóa vàng mã phục vụ nhu cầu người đi lễ. Mặc dù lò hóa hiện tại mới được xây dựng kiên cố bằng ximăng cốt thép song do sử dụng liên tục và quá nhiều nên sức nóng lò đã bắt đầu hư hỏng.
Ở Phủ Tây Hồ và chùa Hương, cảnh đốt vàng mã còn diễn ra nhiều hơn bởi lượng khách hành hương rất lớn. Các lò hóa vàng hoạt động hết công suất, hầu như lúc nào cũng đỏ lửa mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của người hành lễ.
Chị Trần Thị Tuyết (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội), đi lễ tại chùa Quán Thánh, bê trên tay một mâm đầy tiền vàng, hồ hởi: "Năm nay mình sắm đủ bộ cành quả lộc, cành cau, lúa mì, đỉnh vàng… chi phí lến tới cả triệu đồng." Theo chị Tuyết quan niệm, càng đốt nhiều thì thần thánh càng phù hộ và ban nhiều lộc phước làm ăn cho gia đình chị.
Không chỉ riêng chị Tuyết, quan niệm này đang khá phổ biến trong nhiều người dân. Với nhiều người, dường như đi họ lễ chùa, cầu xin tài lộc theo trào lưu chung mà chưa hiểu thấu đáo.
Một nam thanh niên cho biết vì năm nay anh có sao hạn nên đi lễ chùa cầu an, tuy nhiên đồ lễ anh dâng lên chùa là do người bán hàng bảo sao thì làm thế.
Mỗi dịp Xuân về, tại đền Trần (Nam Định), chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh) hay Bái Đính (Ninh Bình), đền Củi (Hà Tĩnh)…luôn xuất hiện những mâm lễ tiền, vàng cao ngất ngưởng của khách hành hương. Người ta đã không còn “choáng” với các mâm lễ lên đến hàng chục triệu đồng, nhất là dịp giải hạn. Kèm theo đó là sự lộn xộn bởi từng đoàn người chen chúc nhau hóa vàng trong màn khói bụi mịt mù.
Không chỉ tốn kém tiền của, cho dù các chùa, đền đã xây lò đốt, bố trí khu hóa riêng, song vẫn các nhà chùa, đền... đều phải đối mặt với những hệ lụy do việc đốt quá nhiều vàng mã gây ô nhiễm môi trường.
Để hạn chế việc hóa vàng mã quá nhiều một cách lãng phí, tại Phủ Tây Hồ, Ban quản lý di tích đã đặt một bảng thông báo lớn ở ngay cổng ra vào với nội dung thực hiện Nghị định của Chính phủ, từ 1/9/2010, Phủ Tây Hồ không cho phép cúng hoặc đốt các đồ vàng mã gồm các loại hình nhân thế mạng, ông lốt, ngựa, xe, rừng cây....
Tại chùa Quán Sứ, một “đội tình nguyện” là các tăng ni, phật tử luôn làm nhiệm vụ nhắc nhở người dân hạn chế sử dụng và đốt vàng mã, dọn vệ sinh khu vực xung quanh các lò đốt…
Tục lệ đốt vàng mã có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân. Ngày nay, tục lệ này đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ gia đình mà còn chú trọng ở các các đền chùa.
Thượng tọa Thích Thanh Nhã, Trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) nhắn nhủ khách đi lễ chùa không nên lãng phí, hãy hạn chế tiền mua vàng mã để làm việc thiện cho đời.
Nhiều chuyên gia Phật học cho biết, giáo lý nhà Phật không có quy định đốt vàng mã và đây là hành động mê tín quá hoang phí.
Theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP năm 2010 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa,” trong đó có quy định mức phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi “Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa, nơi công cộng khác.” Tuy nhiên, việc xử phạt này ở các địa phương, chùa đền thời gian qua vẫn chưa được chú trọng và quyết liệt.