Nguyên Chủ tịch Vinashin bị tuyên phạt 20 năm tù

Thứ Bảy, 31/03/2012 06:28 GMT+7

Google News
Sau 4 ngày xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng, chiều 30/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc với bản án thích đáng dành cho 9 bị cáo.

Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa nghe tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong suốt các giai đoạn thẩm vấn, tranh tụng, đối đáp bình đẳng theo đúng quy định của pháp luật, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã làm rõ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Phạm Thanh Bình - Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin và các bị cáo: Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ, Đỗ Đình Côn, Hồ Ngọc Tùng và Giang Kim Đạt đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở các dự án: Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân; dự án đầu tư tàu Bình Định Star và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.

Phiên tòa sơ thẩm cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của các vị luật sư và bản thân 9 bị cáo tự bào chữa cho các hành vi của mình.

Các luật sư cho rằng, những thiệt hại của Vinashin do chịu tác động mạnh bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó nhiều ngành kinh tế lâm vào hoàn cảnh khó khăn chứ không riêng gì Vinashin.

Một số Luật sư đề nghị Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng thực hành quyền công tố tại phiên tòa, làm rõ một số tình tiết, chứng cứ liên quan đến vụ án; chứng minh thiệt hại của những dự án do hành vi phạm tội của các bị cáo gây nên.

Các luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc những tình tiết giảm nhẹ, đóng góp trong quá trình công tác cũng như điều kiện, hoàn cảnh gia đình và nhân thân tốt của các bị cáo. Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Thanh Bình cho rằng, cần xem xét yếu tố công, tội của bị cáo Bình vì bị cáo là người có nhiều đóng góp trong việc duy trì, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

Đối đáp với những kiến nghị, tranh tụng cùng các luật sư tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định quan điểm truy tố: Các bị cáo trong vụ án đều là những người có chức vụ, quyền hạn; được giao trọng trách quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, tài sản của Tập đoàn Vinashin và các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn này, nhưng đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của pháp luật, quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Xét tổng thiệt hại chung của vụ án này, các bị cáo đã phạm vào trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Qua quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, trong 9 bị cáo của vụ án này, hành vi của bị cáo Nguyễn Tuấn Dương có dấu hiệu đặc trưng cấu thành tội “Sử dụng trái phép tài sản.” Vì vậy, vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với Nguyễn Tuấn Dương từ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Sử dụng trái phép tài sản”, theo quy định tại khoản 3, Điều 142 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, các bị cáo cơ bản đều thừa nhận hành vi phạm tội và mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Cuối giờ chiều 30/3, phiên tòa tiếp tục với phần tuyên án. Trên cơ sở đánh giá toàn diện hồ sơ, chứng cứ vụ án và kết quả thẩm vấn, tranh tụng; xem xét quan điểm bào chữa của luật sư; đại diện Viện Kiểm sát, nguyên đơn dân sự, lời khai của người làm chứng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của Phạm Thanh Bình và các bị cáo trong vụ án này diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài thiệt hại về tiền, tài sản của Nhà nước đặc biệt lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo còn làm đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam; gây dư luận xấu, bất bình trong xã hội, ảnh hưởng đến đời sống hàng chục ngàn lao động...

Trong vụ án này, bị cáo Phạm Thanh Bình là người được giao trọng trách đứng đầu tập đoàn nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ được Nhà nước và nhân dân giao phó; có nhiều hành vi sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần. Mặc dù có ba tình tiết giảm nhẹ nhưng do tính chất nghiêm trọng của vụ án, Hội đồng xét xử quyết định cần xử phạt nghiêm đối với bị cáo để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Hội đồng xét xử tuyên phạt: Phạm Thanh Bình mức án 20 năm tù giam. Bị cáo Trần Văn Liêm 19 năm tù giam; Tô Nghiêm 18 năm tù giam. Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên chịu mức án 16 năm tù giam; Trịnh Thị Hậu 14 năm tù giam; Hoàng Gia Hiệp 13 năm tù giam; Trần Quang Vũ 11 năm tù giam và Đỗ Đình Côn 10 năm tù giam về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Khoản 3, Điều 165 Bộ Luật hình sự. Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương lĩnh mức án 3 năm tù giam về tội “Sử dụng trái phép tài sản” theo quy định tại Khoản 3, Điều 142 Bộ luật Hình sự.

Về trách nhiệm dân sự, Bản án còn tuyên các bị cáo buộc phải bồi hoàn các khoản tiền liên quan đến sai phạm của mình trong từng vụ việc. Theo đó, các bị cáo Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin mỗi bị cáo gần 493 tỷ đồng.

Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên và Đỗ Đình Côn phải liên đới bồi thường cho công ty Cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh chia phần mỗi bị cáo Bình và Tuyên gần 14 tỷ đồng; bị cáo Côn gần 7 tỷ đồng.

Phạm Thanh Bình và Đỗ Đình Côn còn phải liên đới bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân chia phần mỗi bị cáo gần 17 tỷ đồng. Bị cáo Bình và Côn còn phải bồi thường cho Công ty nhiệt điện Cái Lân hơn 16 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Tuấn Dương phải bồi thường cho Công ty đầu tư Cửu Long số tiền trên gần 30 tỷ đồng (bị cáo Dương đã bồi thường 5 tỷ đồng). Bị cáo Trần Quang Vũ phải bồi thường cho Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu hơn 25 tỷ đồng (bị cáo Vũ đã bồi thường 1 tỷ đồng).

Phiên tòa đã tuân thủ đúng các quy định về trình tự và thủ tục của pháp luật tố tụng hình sự, thực hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp. Đây là phiên tòa giải quyết một phần vụ án về những sai phạm xảy ra tại Vinashin. Những hành vi sai phạm khác của các bị can và những người liên quan sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và đưa ra xét xử trong những phiên tòa tiếp theo.

Theo Vietnam+

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›