(Thethaovanhoa.vn) - Cùng từ chiến trường trở về song mỗi người lính lại mang một cảnh đời khác nhau. Người may mắn vượt mưa bom, bão đạn mà thân thể vẫn lành lặn. Cũng có những người mà nỗi đau có thể cảm thấy rõ mỗi khi trái gió, trở trời;... Nhưng nỗi đau dai dẳng và khốc liệt nhất là khi từng ngày, từng giờ chứng kiến di chứng chiến tranh đày đọa đời con, đời cháu ... Và đó cũng là trận tuyến mới mà những người thương binh nhiễm chất độc da cam phải đối mặt trong thời bình…
Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 , xin giới thiệu loạt 3 bài viết về cuộc sống và những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người lính - nạn nhân chất độc da cam trên mọi miền đất nước .
Phạm Quốc Hưng, 38 tuổi, ngây dại trước hiên cửa. Dáng ngồi co quắp, đầu gối khép lại, nhô cao phía trước ngực, miệng Hưng há hốc, những âm thanh “ừm, ừm” khó nhọc bật ra từ cổ họng. Bố Hưng, ông Phạm Đức Thắng, ngồi bên cạnh với bát cơm trên tay cố dỗ con trai nuốt từng thìa. Xúc cơm cho con cũng chỉ là một trong những việc tận tình của người thương binh tóc đã bạc trắng ở ngõ Đình Đông, phố Bạch Mai, Hà Nội trong gần 14 ngàn ngày qua.
“Nếu để Hưng tự ăn thì một hạt vào miệng, mười hạt rơi ra ngoài. Trí não cháu không phát triển, vẫn như một đứa trẻ. Ăn uống, vệ sinh vợ, chồng tôi đều phải giúp cả. Mệt nhất là những lúc cháu đau đớn vì bệnh tật giày vò, cháu đập phá trong nhà, có lần còn đẩy mẹ ngã lăn trên cầu thang…”, ông Phạm Đức Thắng buồn bã nói.
Phạm Quốc Hưng là đứa con thứ hai của vợ chồng ông Phạm Đức Thắng. Hưng bị dị tật vì nhiễm chất độc da cam. Ông Thắng nhận ra điều này cách đây chừng hơn 20 năm. Còn trước đó, họ không hay biết những năm tháng ở chiến trường miền Nam đã khiến mình đã bị nhiễm chất độc dioxin. Nghe đứa con dứt ruột đẻ ra bị những người thân trong nhà và hàng xóm chung quanh cay nghiệt gọi là “quái thai”, hai vợ chồng ông chỉ biết chảy nước mắt.
Nhập ngũ năm 1969, ông Phạm Đức Thắng chiến đấu tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 bộ binh, Quân đoàn 3. Các cơn sốt rét rừng ác tính, những trận đánh khốc liệt trên các chiến trường Tây Bắc Kon Tum, ĐắkTô - Tân Cảnh, Sa Thầy không lấy được tính mạng ông nhưng đã cướp đi của ông con mắt bên trái, một ngón tay, một ngón chân và một bên cơ thể vẫn còn những mảnh đạn găm chặt vào sườn. Xuất ngũ năm 1973, ông an dưỡng một thời gian rồi ôn thi và đỗ vào Khoa Vật tư Trường Đại học Kinh tế quốc dân, sau đó lập gia đình. Khi vợ ông, cô giáo Trường mầm non Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Phạm Thị Thể mang thai đứa con thứ hai thì xuất hiện những dấu hiệu bất thường từ tim thai…
Người thương binh kể, thời gian đầu không hề biết bản thân nhiễm chất độc dioxin. Nhưng từ cơ thể Phạm Quốc Hưng và những thông tin về chất độc da cam, vợ chồng ông mới đưa con đi kiểm tra và đau lòng biết Hưng nhiễm chất độc da cam từ cha mình . “Những hôm trở trời, tôi đau đớn lắm. Cháu nó cũng đau đớn như tôi. Nhìn con quằn quại mà tôi đứt từng khúc ruột. Lúc đó lại hình dung đến những cánh rừng trụi lá mà đơn vị chúng tôi đã đi qua, những con suối mà những người lính chúng tôi đã lấy nước để uống. Làm sao chúng tôi có thể biết rừng và nước đã ngấm chất hóa học quái ác ấy từ bao giờ”, ông Phạm Đức Thắng xót xa nói.
Nhớ lại ngày nối ngày, hai mẹ con từ trường mẫu giáo về đến đầu ngõ Đình Đông, ai cho cơm thừa, canh cặn lại đổ dồn vào chiếc can nhỏ bên xe đạp đem về nấu cho lợn ăn, chăm chút từng luống rau muống ven ao nhỏ gần nhà để có thêm tiền lo trang trải cho cuộc sống, bà Phạm Thị Thể nghẹn ngào kể: Con cái bệnh tật thường xuyên phải đi viện nên gia đình kiệt quệ. Nhưng dù cuộc sống còn nhiều vất vả, hai vợ chồng vẫn động viên nhau phải cố gắng nuôi con. “Thương cháu lắm nhưng đã rơi vào tình cảnh này thì cũng phải cố gắng để vượt qua chứ biết cậy nhờ ai được bây giờ”, bà Thể mắt đỏ hoe nói.
Cũng trở về từ chiến trường với thân thể không lành lặn và khổ đau khi từng ngày, từng giờ chứng kiến di chứng chiến tranh đày đọa con mình, ông Phạm Phúc Bình- người lính năm xưa của Trung đoàn thông tin, Quân đoàn 2, hiếm hoi những nụ cười. Năm 1989, vợ chồng ông sinh đứa con trai thứ hai- Phạm Tiến Dũng. Khác với người anh lớn hơn 2 tuổi, Dũng lọt lòng là một bé trai dễ thương, sáng sủa. Nhưng ngay sau sinh nhật 1 tuổi, Dũng kém dần về sự phát triển và hiện ở tuổi 30, Dũng vẫn ngây ngô, không biết nói, không tự lo cho mình những việc đơn giản nhất trong sinh hoạt, thường xuyên xuất hiện những trận đau đầu, đau đến toát mồ hôi như tắm. “Đấy là hậu quả chiến tranh mà những năm tháng chiến đấu ở chiến trường để lại. Đóng quân ở Quảng Trị hay những lần hành quân qua dãy Trường Sơn, chúng tôi múc nước suối trong rừng để nấu ăn mà nào biết chất hoá học từ trên đồi chảy xuống theo mưa lũ…”, ông Bình giọng buồn buồn nói.
30 năm trôi qua cũng là chừng ấy thời gian vợ chồng ông Phạm Phúc Bình phải vất vả cực nhọc, nén nỗi đau đớn vào trong mà chăm sóc cho con. Kinh tế trong nhà được dồn vào để chạy chữa cho Dũng, nhưng vẫn không sao điều trị được căn bệnh tàn ác. Đã có lúc ông nghĩ những điều tiêu cực nhưng trấn tĩnh lại, thấy mình còn may mắn hơn bao đồng đội nằm lại chiến trường… Tình thương, sự kiên cường và hy sinh cho con cũng bởi vậy mà nhân lên. Hằng ngày, bất kể nắng mưa, đêm ngày, thấy nét mặt Dũng nhăn lại, kèm theo những tiếng rên la là người thương binh lại lấy xe đèo con từ ngôi nhà ở phố Hồng Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) qua cầu Long Biên rồi đạp dọc triền đê sông Hồng.
“Cháu ngồi sau xe đạp, hứng gió thổi vào mặt thì cảm giác cơn đau đầu dịu đi, dễ chịu hơn. Nhưng có lúc đang đạp xe đi thì cháu đau quá không chịu nổi liền nhảy phắt xuống xe ôm đầu chạy. Vậy là mình lại phải vứt xe, chạy theo con. Hai bố con cứ đuổi theo nhau dọc triền đê. Thương con quá, tôi ôm con mà nước mắt cứ ứa ra”, ông Bình thở dài nói.
Bài 2 - Phẩm chất của người lính thời bình
Hạnh Quỳnh/TTXVN
Tags