(TT&VH) - Tuần này, Anh bắt đầu xét xử cựu nhân viên ngân hàng UBS Kweku Adoboli, kẻ đã làm bốc hơi số tiền hơn 2 tỉ USD trong một vụ gian lận tài chính được xem là lớn nhất đảo quốc sương mù. Vụ việc đồng thời cũng dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho giới ngân hàng thế giới, sau khi hàng loạt những sự kiện tương tự đã diễn ra nhưng công tác phòng bị vẫn vô cùng lỏng lẻo.
Trong phiên xử đầu tiên diễn ra kể từ khi Kweku Adoboli bị bắt hồi tháng 9 năm ngoái, cơ quan công tố cáo buộc anh này gây thua lỗ tới 2,3 tỉ USD. Khoản thua lỗ nảy sinh khi Adoboli làm việc cho đơn vị giao dịch chứng khoán toàn cầu của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), trong thời gian từ tháng 10/2008 tới tháng 9/2011.
|
Các công tố viên nói rằng Adoboli đã lạm dụng vị trí cao của anh ta trong ngân hàng để thu lợi cá nhân và đẩy UBS tới chỗ bị lỗ nặng từ các khoản đầu tư quá mạo hiểm của mình. Nhưng Adoboli thì khẳng định bản thân không làm gì sai và cũng không lừa đảo.
Adoboli sinh tại thành phố biển Tema của Ghana và nổi tiếng vì khả năng giải các bài toán đố rất giỏi. Cha của anh ta đã quyết định gửi con tới học ở Anh nhằm phát triển tài năng. Adoboli đã thích nghi nhanh với các ngôi trường danh giá ở vùng West Yorkshire và được các giáo viên từng dạy qua đánh giá rất cao.
Rời phổ thông, Adoboli mơ trở thành một kỹ sư hóa chất, trước khi nhận được đề nghị từ Đại học Nottingham tới nghiên cứu về thương mại điện tử. Tốt nghiệp, anh ta sống tại Nottingham một thời gian rồi chuyển tới thủ đô và bắt đầu làm việc cho UBS hồi năm 2006.
Vào UBS, Adoboli được giao vị trí tập sự cố vấn đầu tư. Với mong muốn chứng tỏ năng lực bản thân, Adoboli thường vùi mình trong công việc, dành nhiều giờ bên máy tính để tìm kiếm các khoản đầu tư nhỏ, giá rẻ. Anh ta cũng thường công bố các chiến thắng của mình trên mạng xã hội để người khác học theo.
‘Hãy xem bài báo này" - anh ta từng viết trên mạng xã hội Tweet - "Tôi đã kiếm được 360 USD trong ngày hôm nay đấy".
Các chiến thắng nhỏ giúp Adoboli thăng tiến nhanh, tới năm 2007 đã được giao vị trí phân tích hỗ trợ giao dịch chứng khoán, trước khi đảm nhận vị trí giám đốc quỹ đầu tư tín thác (ETF), đồng thời kiêm chân giao dịch viên ở sàn giao dịch Delta 1 tại USB.
Tờ Daily Mail cho biết Kweku Adoboli luôn tin rằng cuộc sống là một trò chơi thắng thua may rủi và có vẻ như anh ta đã quá tự tin về mình. Phương châm của anh ta là làm hết mình, chơi hết sức. Các bữa tiệc do anh ta tổ chức luôn nổi tiếng về độ huyên náo. Nhưng anh ta cũng thường thức rất khuya để làm việc.
Theo các bạn học, Adoboli là người đam mê kiếm tiền chứ không phải tiêu tiền. Anh ta làm việc dưới các sức ép kinh khủng, đưa ra các quyết định chớp nhoáng dựa trên những biến động rất nhỏ của cổ phiếu, với những số tiền khổng lồ được giao dịch. Anh ta cũng đánh bạc với các xu hướng lên xuống của rổ tiền tệ, dự đoán xu hướng thị trường và tổng hợp tin tức để chọn ra kênh đầu tư hiệu quả nhất. Điều Adoboli chẳng ngờ là đồng Franc Thụy Sĩ di chuyển nhanh hơn anh ta dự tính, theo hướng đi xuống, và gây nên những thua lỗ nghiêm trọng tới chính anh ta cũng chẳng ngờ.
Những lỗ hổng từ bên trong
Điều đáng nói là hệ thống kiểm soát nội bộ của UBS không hề biết về những khoản lỗ khổng lồ do Kweku Adoboli gây ra, cho tới khi chính anh ta thú nhận về chúng.
UBS sau đó đã kiểm tra lại các hoạt động giao dịch của anh này và tá hỏa khi thấy khoản tiền lỗ lên tới hơn 2 tỉ USD. Ngân hàng đã phải gọi cho Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) và cảnh sát Anh. Adoboli lập tức bị bắt giữ.
Theo giới phân tích, phiên tòa sẽ rọi ánh sáng vào công tác quản lý rủi ro trong ngân hàng lớn và nổi tiếng bí mật như UBS. "Phiên tòa sẽ hướng tiêu điểm trở lại UBS và đó là điều không tích cực lắm" - một nhà phân tích ngân hàng đề nghị giấu tên nói - "UBS không cung cấp nhiều về những gì đã xảy ra, nhưng khi tòa xét xử, các chi tiết về hệ thống quản lý rủi ro của ngân hàng này và các cuộc điều tra nội bộ sẽ được công bố".
Một trong những thắc mắc của dư luận hiện nay là làm cách nào Adoboli lại gây thất thoát số tiền lớn như vậy mà không ai hay biết? Giới trong nghề chỉ ra rằng trong kinh doanh ngân hàng, mỗi giao dịch viên như anh ta thường được phép chấp nhận một khoảng rủi ro nhất định khi đặt lệnh mua bán. Nếu thương vụ có mức rủi ro quá cao, họ phải xin phép từ người giám sát.
Các giao dịch viên được xem là đi quá giới hạn khi họ thực hiện những thương vụ mua bán quá mạo hiểm, hoặc đầu tư quá nhiều tiền vượt mức cho phép. Trong một số trường hợp, các giao dịch liều kiểu này đem tới lợi nhuận và sẽ chẳng có ai phàn nàn gì. Nhưng nếu kết quả là thua lỗ, các giao dịch viên sẽ tìm cách cắt lỗ bằng việc đặt cược sao cho họ có thể ăn đậm hơn, gấp đôi số tiền bỏ ra ban đầu. Đây là lúc họ bắt đầu hoạt động gian lận.
Bóc lịch dài hạn
Được biết một nhân viên ở ngân hàng lớn như UBS chỉ được chấp nhận rủi ro ở mức vài ngàn, chứ không phải vài triệu đô la. Khi giao dịch viên có kinh nghiệm và thể hiện khả năng mang về lợi nhuận, họ sẽ được nới dần mức độ rủi ro.
Không ai biết Adoboli đã được tin tưởng tới cỡ nào, nhưng tờ Wall Street Journal nói rằng sàn Delta 1 nơi anh ta làm việc chỉ thực hiện các giao dịch khá an toàn. Adoboli vì thế đã làm giả nhiều tài liệu ngân hàng để che giấu thua lỗ và tiếp tục đầu tư thêm, cho tới khi khoản nợ của anh ta phình to với hàng tỉ đô la.
Không ngoại lệ
Câu hỏi đặt ra là làm sao Adoboli có thể che giấu được sai phạm, trong khi UBS có trang bị hệ thống kiểm soát giao dịch, bằng cả máy móc và con người, vô cùng chặt chẽ. Các chuyên gia nói rằng những người trong cuộc, lại thông minh và có kiến thức như Adoboli sẽ dễ dàng tìm ra kẽ hở trong hệ thống quản lý của UBS và lạm dụng nó.
Đó là trường hợp của Jérôme Kerviel, kẻ đã làm bốc hơn 6,7 tỉ USD tiền của ngân hàng Société Générale tại Pháp hồi năm 2008. Đó cũng là trường hợp của Nick Leeson, kẻ đánh sụp ngân hàng Barings Bank hồi năm 1995 khi gây ra số tiền lỗ tới hơn 1 tỉ USD.
Cả Kerviel và Leeson đều đã ngồi tù vì hành động lừa đảo của họ. Riêng với Adoboli, người ta tin rằng với những sai phạm khổng lồ đã gây ra, anh ta cũng chỉ phải chịu mức án nặng nhất là 10 năm tù giam.
Tường Linh