Nhiều kỳ vọng của Đại biểu Quốc hội đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thứ Năm, 07/04/2016 10:39 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Với số phiếu tán thành cao, sáng 7/4, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội khóa XIII đã được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện mong muốn tân Thủ tướng Chính phủ với bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm của mình sẽ có những quyết định đúng đắn, đưa đất nước phát triển đi lên.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhận định mặt dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiệm kỳ qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã đoàn kết, nhất trí, điều hành kinh tế, xã hội của đất nước phát triển.

Đại biểu tin tưởng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, người từng đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng nhiệm kỳ qua - sẽ cùng các bộ trưởng, trưởng ngành đoàn kết, phát triển kinh tế, có những cải cách thể chế kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn lên, đóng góp cho đất nước.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ mới là rất nặng nề trong việc điều hành kinh tế - xã hội, khắc phục những hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua.

Đánh giá cao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc thể hiện trách nhiệm, kinh nghiệm công tác, thương dân, gần dân, sát dân, đại biểu hy vọng tân Thủ tướng sẽ phát huy hơn nữa vao trò, trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước đi lên, sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cùng ý kiến, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) tin tưởng Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp quản vị trí với tâm thế vững chắc, đạt được nhiều hiệu quả trong công tác, nhiệm vụ, bởi ông đã có nhiều kinh nghiệm về điều hành, quản lý qua quá trình công tác từ địa phương đến Trung ương.

Kỳ vọng về nhiệm kỳ mới, đại biểu Bùi Thị An mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tập trung vào việc tăng cường sự minh bạch trong tất cả các lĩnh vực để điều hành, quản lý hiệu quả hơn; chống tham ô, tham nhũng, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia, tạo lòng tin của người dân.

Đồng thời, Thủ tướng cần tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng sức mạnh nội sinh, tiềm lực của đất nước. Đây là hai nhiệm vụ song hành mà Chính phủ cần tập trung trong nhiệm kỳ mới.

Đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) hy vọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những chính sách hữu hiệu nhằm khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện nay, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Bản đề nghị Thủ tướng sẽ tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; tăng cường triển khai tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính trong nhiệm kỳ mới.

Nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí có những bước tiến nhất định, nhưng người dân và cử tri thấy chưa hài lòng, đúng như báo cáo của Chính phủ là chưa đạt yêu cầu, cả về phòng chống tham nhũng, phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết văn bản pháp luật trong phòng chống tham nhũng không thiếu, về bộ máy cũng không thiếu như bộ máy thanh tra của Chính phủ, kiểm tra của Trung ương Đảng, giám sát của Quốc hội, của HĐND các tỉnh, thành phố, vừa rồi, lại thành lập thêm Ban Nội chính từ Trung ương đến địa phương và trên đó còn có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

Điều quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện. Mà tổ chức thực hiện chính là người đứng đầu các cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, khi quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị lại xuất hiện bất cập khác, đó là người đứng đầu rất sợ trách nhiệm nên vun vén, xoa dịu, thậm chí biến báo các con số để từ tham nhũng thành khuyết điểm, từ lẽ ra phải chuyển sang cơ quan điều tra thì chỉ là phê bình, kiểm điểm.

Ông kỳ vọng với vai trò người đứng đầu cơ quan hành pháp, tân Thủ tướng sẽ quan tâm nhiều hơn vấn đề này. Theo đại biểu Lê Như Tiến, người đứng đầu Chính phủ đã từng theo dõi, phụ trách về vấn đề nội chính, sẽ rất thuận lợi cho việc phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để đất nước ta là một đất nước an toàn. Đó cũng là điều kiện để thúc đẩy kinh tế xã hội nước ta phát triển.

Tin tưởng tân Thủ tướng Chính phủ sẽ nhận thức rõ được tình hình tham nhũng khi nhận nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có hành động quyết liệt, ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn này, chống tham nhũng như chống giặc “nội xâm”.

Theo đại biểu, thời gian qua, mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, tuy nhiên, tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Giống như nhiều đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá, tham nhũng đang được ví như giặc “nội xâm”, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ, nguy hiểm hơn là làm mất niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trước vấn nạn tham nhũng hiện nay, đòi hỏi Chính phủ mới phải thực sự gương mẫu, quyết liệt chống tham nhũng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và khách quan công bằng trong xem xét, xử lý các đối tượng tham nhũng. Mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật dù ở cương vị nào. “Trong đấu tranh xử lý tham nhũng ở địa phương mà người dân còn cảm thấy có sự phân biệt đối xử giữa người dân và lãnh đạo thì dân không tin và lúc đó công tác phòng chống tham nhũng còn khó khăn”, ông Nguyễn Thái Học nói.

Trước một thực tế hiện nay không phải cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu nào cũng quan tâm đến phòng chống tham nhũng, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều địa phương nhưng không được phát hiện kịp thời, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng đấu tranh chống tham nhũng là việc khó.

Một mình Thủ tướng không thể làm được, đòi hỏi có sự đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Người đứng đầu Chính phủ với trách nhiệm của mình phải đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc. Để có được sự đồng bộ này, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương cũng phải quyết liệt chống tham nhũng. Hệ thống luật pháp về phòng chống tham nhũng hiện đã đồng bộ, vấn đề còn lại chỉ là tổ chức thực hiện.

Từng người đứng đầu Trung ương, địa phương phải cùng vào cuộc, nhận thức nguy cơ tham nhũng, cũng như đòi hỏi của mỗi người dân là phải phòng chống tham nhũng hiệu quả. Nếu không vào cuộc, không xoay chuyển được tình hình, trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu.

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ kỳ vọng của ông bằng mong đợi người đứng đầu Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai hơn, minh bạch hơn, đây cũng là một giải pháp để phòng, chống tham nhũng. “Bộ máy hành chính gồm ba bộ phận: thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người. Tôi cho rằng cái khó nhất là vấn đề con người, đó là những thách thức và tôi kỳ vọng với những kinh nghiệm và nỗ lực của Thủ tướng mới đã từng làm lĩnh vực này, sẽ có đột phá mạnh hơn, thậm chí kể cả những đề xuất liên quan đến cải cách pháp luật”, đại biểu Trần Du Lịch cho biết.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Lê Việt Trường (An Giang), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thể hiện sự tin tưởng vào tân Thủ tướng Chính phủ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới; đồng thời kiến nghị một số vấn đề để đưa đất nước ngày càng phát triển ổn định, bền vững.

Đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2011-2015, tuy nhiên, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, hiện nay những khó khăn, thách thức đối với đất nước vẫn còn rất lớn. Đại biểu phân tích, trong thời gian qua, vấn đề kiểm soát lạm phát đã tương đối tốt nhưng chưa thật ổn định; chất lượng nền kinh tế còn yếu kém, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự cạnh tranh ngày cảng khốc liệt như hiện nay.

Cùng với đó, vấn đề tài chính, tiền tệ và các cân đối vĩ mô rất mong manh; xuất khẩu tuy đã đạt được nhiều thành tích nhưng chỉ tăng thấp, trong khi đó nhập khẩu vẫn tăng cao, dẫn đến tình trạng nhập siêu. Do đó, nếu Chính phủ, nhất là Thủ tướng không quản lý, điều hành tốt cán cân xuất nhập khẩu sẽ gia tăng và tác động đến cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời sẽ có nguy cơ nợ công đội trần và đe dọa đến an ninh tài chính quốc gia. Vì vậy, bên cạnh những thuận lợi thì thách thức đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ mới rất nặng nề.

Từ những phân tích trên, đại biểu kỳ vọng tập thể Chính phủ luôn đoàn kết, đồng tâm hiệp lực và lắng nghe nhiều hơn ý kiến của các ngành, các cấp, các chuyên gia để có những giải pháp kịp thời. Đặc biệt, trong công tác điều hành, Thủ tướng Chính phủ cần phải kiên quyết, quyết liệt, khẩn trương để thực hiện những mục tiêu đã được xác định và khắc phục các yếu kém hiện nay.

Cùng với đó, mong muốn tân Thủ tướng bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những vấn đề nhân dân đang bức xúc, quan tâm hiện nay. Theo đại biểu, trước mắt Thủ tướng cần tập trung ưu tiên vào ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nhiệm vụ hàng đầu, bởi nếu như nền kinh tế không ổn định mà phát triển lệch, phát triển “nóng” thì sẽ trả giá rất đắt trong tương lai gần; đồng thời tập trung lãnh đạo để duy trì kinh tế tăng trưởng một cách hợp lý và hiệu quả, đảm bảo tính cân đối, bền vững.

Về mặt xã hội, Thủ tướng cần tập trung, chú trọng những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân, nhất là các vấn đề an sinh xã hội. Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh cần duy trì hòa bình ở khu vực trên tinh thần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam. Với vấn đề chống tham nhũng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu mong muốn của người dân.

Do đó, mong muốn tân Thủ tướng xem xét, có những giải pháp, phương pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lấy lại lòng tin của người dân và làm trong sạch môi trường kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) kỳ vọng với những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác, tân Thủ tướng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới. Đồng thời, đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, tân Thủ tướng cần tâp trung vào việc thực hiện ba đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định, trong đó phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng “kéo gần” lại giữa việc thu và chi để giảm nợ công.

Nếu Chính phủ không giải quyết tốt vấn đề này sẽ dẫn đến tăng nợ công. Do đó, mong muốn tân Thủ tướng sẽ tập trung giải quyết giảm nợ công, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.

Phân tích những mặt được và chưa đạt của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) kỳ vọng tân Thủ tướng sẽ phát huy những thành tích của người tiền nhiệm và có những giải pháp riêng mang tính đột phá, tạo bước chuyển biến mới phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế để tiếp tục sự nghiệp đổi mới, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cùng với đó, Thủ tướng cần tập trung vào các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Thủ tướng cần chỉ đạo, điều hành khắc phục ngay những vẫn đề mà xã hội đang bức xúc hiện nay như: tình trạng tham nhũng, lãng phí; chạy chức, chạy quyền; buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›