(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, tại tỉnh Sơn La xuất hiện tình trạng nhiều phụ nữ đi khỏi địa bàn không rõ lý do. Một số trường hợp đã được gia đình xác nhận là bị lừa bán sang Trung Quốc. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn bán người.
Bản Pá Liềng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn là nơi có nhiều phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc. Không khí trong bản hôm nay vui vẻ, khác hẳn với trước kia. Bởi người dân ở đây vừa biết tin, một phụ nữ trong bản là nạn nhân bị lừa bán sang nước ngoài đã được lực lượng chức năng đưa về nhà.Người vui nhất chính là mẹ của nạn nhân. Sau nhiều tháng đợi chờ, ngóng tin của con, giờ đây con gái của chị đã được đưa về nhà. Không giấu được xúc động, chị Tráng Thị Mía, mẹ của nạn nhân chia sẻ: “Con gái về rồi, mình vui lắm. Sang năm, gia đình tiếp tục cho con gái đi học. Bố mẹ có vất vả mấy cũng phải lo cho con đầy đủ, không để con bị kẻ xấu lừa đi nữa”.
Con gái của chị Mía là em Giàng Thị S, đang là học sinh phổ thông. Tháng 12/2016, từ quen biết trên mạng xã hội, chị họ của S được một người đàn ông rủ sang Lào Cai để lấy chồng. S được rủ đi cùng và tới Lào Cai đã bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ. Đến ngày 10/3/2017, S đã trốn thoát và được một người đưa về Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái. Chị họ của S hiện vẫn đang mất tích, chưa liên lạc về nhà.
Theo UBND huyện Mai Sơn, các bản làng vùng cao của huyện, từ năm 2015 đến nay đã có 47 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị lừa bán khỏi địa bàn. Điều đáng nói, trong số này, hầu hết là phụ nữ người dân tộc Mông.
Đến nay, 18 trường hợp đã trở về địa phương. Ngoài ra, Công an huyện Mai Sơn đã phát hiện và chuyển Cơ quan an ninh điều tra xử lý hai vụ việc với ba đối tượng có dấu hiệu liên quan đến hành vi mua bán người. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn nhỏ so với số lượng phụ nữ bị lừa bán. Bởi lực lượng chức năng vẫn gặp không ít khó khăn khi xử lý những vụ việc này.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết:Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua các trang mạng xã hội hoặc trực tiếp gặp gỡ, hứa hẹn tìm việc làm ở các tỉnh biên giới phía Bắc với mức thu nhập cao hoặc giả vờ yêu đương, giới thiệu lấy chồng Trung Quốc sẽ có cuộc sống sung sướng, nhàn hạ. Một số phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hiểu biết hạn chế, không có việc làm ổn định đã dễ dàng tin theo.
Ông Vũ Tiến Đĩnh cho biết thêm, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa đối với thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn bán người đã được nâng lên.
Tuy nhiên, với phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này ngày càng tinh vi. Đối tượng phạm tội mua bán người thường là người ở địa phương khác đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, khi gặp và làm quen chúng giới thiệu tên, địa chỉ giả nhằm che giấu về nhân thân, lai lịch hoặc câu kết với các đối tượng ở địa phương để thực hiện hành vi dụ dỗ, lừa gạt nên gây khó khăn cho công tác xử lý. Mặt khác, tội phạm buôn bán người thường liên quan đến yếu tố nước ngoài, do đó việc điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La, tính từ ngày 15/11/2015 đến 15/3/2017, toàn tỉnh đã có 134 trường hợp công dân nữ bị lừa bán, nghi bị lừa bán sang nước ngoài. Trong đó, có hơn 120 người Mông và 11 người Thái. Các nạn nhân đa số đều trong độ tuổi từ 16-25, bị người lạ chủ yếu từ quen biết trên mạng xã hội rủ đi chơi hay hứa hẹn đi làm lương cao sau đó bị lừa bán sang nước ngoài theo đường Lào Cai, Quảng Ninh…
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Sơn La đã vào cuộc tích cực và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm trên. Trung tá Thiều Ngọc Thanh, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La cho biết, qua việc tuyên truyền và các biện pháp nghiệp vụ, số lượng tội phạm có giảm, tuy nhiên vì lợi nhuận lớn nên các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để lừa bán các cháu sang bên kia biên giới.
Thời gian tới, lực lượng chức năng tỉnh Sơn La tiếp tục tuyên truyền phòng, chống buôn bán người, chỉ đạo sát sao các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tập trung rà soát đối tượng nghi bị lừa bán, lên danh sách nạn nhân để tiến hành dựng hồ sơ các đối tượng và tính toán biện pháp truy bắt. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho đồng bào các dân tộc; nắm bắt và quản lý thường xuyên số lượng người đi và đến tại địa bàn.
TTXVN/Hữu Quyết
Tags