(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 25/6/2018, đề thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2018 có trích 2 khổ trong bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy, để đi đến một yêu cầu làm bài rất thời sự: “viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay”. Ít khi nào một đề thi văn THPT lại nhận vền hiều ý kiến trái chiều như năm nay.
- Thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn: Đề rất khó nhưng cũng có cái hay
- Nhận xét về đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2018
- Đáp án môn văn THPT quốc gia 2018
“Đây là một trong loạt các bài thơ chính luận của Nguyễn Duy vào đầu thời Đổi mới, cho thấy một Nguyễn Duy khác hẳn gương mặt đã quen thuộc với công chúng như một nhà thơ của lục bát trữ tình, ngọt điệu đồng quê. Đó là những bài thơ đầy sức mạnh của lòng yêu nước nhưng không phải kiểu yêu một chiều, chung chung, khuôn sáo, mà trực diện với những nan đề của đất nước, là những câu hỏi đầy trách nhiệm của một công dân” - nhà thơ Hoàng Hưng nhận định.
Đề thi có tính phân hóa
Nhà thơ Nguyễn Chiến, một giáo viên văn uy tín, nhận xét: “Nhìn chung đây là một đề thi hay, nó phân hóa được học sinh. Những họcsinh trung bình có thể làm được 5-6 điểm, học sinh khá giỏi có chỗ để thể hiện năng lực. Nhìn ngoài khuôn viên nhà trường thấy thật thú vị, vì nó phân hóa được cả thái độ của người cầm bút chuyên nghiệp, khen chê trái chiều”.
Nguyễn Chiến phân tích thêm: “Phần đọc hiểu khá dễ, 4 câu hỏi không có câu nào khó, học sinh có thể kiếm từ 2 điểm trở lên. Phần viết đoạn văn 200 chữ khó, thậm chí rất khó. Vì trình bày suy nghĩ là phải làm một bài văn nghị luận tương đối hoàn chỉnh. Nghĩa là phải giải thích (tiềm lực là gì, tại sao phải đánh thức..), phải chứng minh (đánh thức như thế nào, hành động đánh thức ra sao...), để từ đó mới bình luận (nhận xét, đánh giá, liên hệ bản thân...). Tất cả điều này mà gói trong một đoạn viết chừng 200 chữ là rất khó, không tin, các cây bút chuyên nghiệp thử làm bài mà xem”.
Còn với nữ nhà văn Hạ Nguyên thì: “Là một giáo viên dạy văn, tôi có quan niệm rằng mỗi một bài làm văn ngoài việc giúp học sinh rèn luyện kỹ năng ngữ văn thì chúng còn tạo điều kiện cho các em suy nghĩ, trình bày quan điểm về những vấn đề của cuộc sống. Qua những bài văn nghị luận, các em có cơ hội suy nghĩ một cách nghiêm túc về bản thân, về văn chương, về những hiện tượng nóng bỏng của xã hội... Cũng từ đó mà các em trưởng thành hơn về mặt nhận thức và hành động, trở thành một người công dân có trách nhiệm với gia đình, xã hội”.
“Có nhiều bàn luận sôi nổi, đa chiều về đề thi văn năm nay. Tôi cảm thấy mừng vì đề thi này đã đánh thức cái tôi công dân của học sinh, khiến các em có cái nhìn sâu sắc về vai trò của chính mình đối với sự phát triển của đất nước. Để từ đó hiểu được, dù cuộc đời có phức tạp, đa diện, hãy nhìn đời với đôi mắt thấu cảm, yêu thương” - Hạ Nguyên.
Dịch giả Lưu Hồng Sơn thì cho rằng: “Trong các câu hỏi thi văn thông thường, câu trả lời thường nằm ẩn trong đó. Các câu hỏi trong đề văn năm nay lại mang tính định hướng trả lời rất cao, nên rất đáng ngại. Nó sẽ hạn chế rất nhiều những cách trả lời mang tính phản biện, độc lập, sáng tạo và tự do của học sinh”.
Lạc hậu thời sự?
“Bây giờ hiện thực khác nhiều rồi, thành thử những đoạn trích trong bài thi hơi bị lạc hậu so với đời thực, nếu quá nệ hiện thực khi đọc thơ. Muốn thời sự hơn, có lẽ nên trích những bài thơ phù hợp thì học sinh dễ liên hệ và dễ bày cảm xúc thời đại hơn” - Nguyễn Chiến thẳng thắn.
“Việc đưa bài thơ này vào đề thi là một bước đột phá của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đáng buồn là ở thời điểm này tính thời sự của bài thơ đã hết" - nhà thơ Giáng Vân cảm thán.
Nhà thơ Trần Tuấn cũng đồng tình: “Hãy để bài thơ của Nguyễn Duy ngủ yên. Bởi ông và bài thơ ấy đã làm xong nhiệm vụ có tính lịch sử của mình.Hãy tiếp cận con đường thúc đẩy phát triển đất nước, xã hội bằng một tư duy khác”.
Hạ Nguyên lại nhìn khác: “Bài thơ Đánh thức tiềm lực tuy ra đời từ những năm 1980, nhưng vẫn đặt ra những câu hỏi mang tính thời đại: Chúng ta đã khai thác tiềm lực đất nước đúng hướng chưa? Làm thế nào để bảo vệ và phát huy hết nguồn lực của đất nước? Để trả lời những câu hỏi này, học sinh phải có một tư duy độc lập và phải huy động hết những hiểu biết về kinh tế - xã hội của chính mình. Những cô bé cậu bé vô tư, mới ngày hôm qua còn uống trà sữa và đọc truyện tranh, có lẽ cũng phải ngẫm nghĩ chín chắn trước câu hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Trả lời được câu hỏi này, các em đã ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của công dân với đất nước”.
Văn Bảy
Tags