Những mảnh gốm thời Trần, Lê ở Trường Sa

Thứ Năm, 01/12/2016 07:43 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã công bố hàng loạt những kết quả khảo cổ đầy thuyết phục chứng minh chủ quyền và việc thực thi chủ quyền từ ngàn đời của dân tộc Việt ở biển Đông.

Viện Khảo Cổ chủ trì một số lần kết hợp với nhiều cơ quan đã tiến hành thám sát, khai quật, khảo sát ở một số đảo trong quần đảo Trường Sa. Cuộc khai quật đã thành công khi phát hiện ra nhiều hiện vật quan trọng sự xuất hiện của người Việt trên quần đảo này từ rất sớm.

Bên cạnh đó, việc khai quật, phục hồi và xếp hạng di tích cấp Quốc gia cho bia chủ quyền của VNCH trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được báo cáo tại hội nghị đã khẳng định một lần nữa sự hiện diện và thực thi chủ quyền liên tục của người Việt trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Người Việt có mặt sớm và liên tục ở Trường Sa, Hoàng Sa

Sau khi cùng đoàn khảo cổ điều tra, đào thám sát ở Trường Sa, ông Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học trao đổi với Thể thao & Văn hóa: “Đoàn công tác của chúng tôi gồm khoảng 10 thành viên. Chúng tôi khảo sát, điều tra và đào thám sát trên các đảo: Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Sơn Ca, Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa”.

Đồ gốm men phát hiện tại đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết. Ảnh: TS Lại Văn Tới

 

Ở Trường Sa Lớn, đoàn khảo cổ đã thu về được những hiện vật quan trọng như: một mảnh bát thời Trần, hai mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và nhiều mảnh sành thuộc thế kỷ 18- 19 qua việc thăm dò, khảo sát toàn bộ bề mặt đảo. Bên cạnh đó, đoàn cũng thu về được bốn mảnh gốm thô từ thời tiền sử trong hố đào thám sát 1 mét vuông.

Còn ở đảo Nam Yết, đoàn khảo cổ thu được một men trắng vẽ lam thời Lê và một số mảnh sành thế kỷ 18. Ở đảo Sơn Ca, các nhà khảo cổ cũng thu được các mảnh sành thế kỷ 18.

Ông Bùi Văn Liêm nói thêm: “Điều này khẳng định lại kết quả các đợt khảo sát khai quật năm 1993, 1994, 1995 và 1999. Cụ thể năm 1995, chúng tôi khai quật 70 mét vuông ở Trường Sa đã phát hiện dấu vết của những cư dân sơ sử ở Trường Sa cùng những mảnh sứ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những dấu tích khảo cổ kết hợp với tư liệu Hán Nôm, tư liệu lịch sử khẳng định sự có mặt sớm và liên tục của người Việt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền và việc thực thi chủ quyền liên tục của người Việt với hai quần đảo này và biển Đông.

Sẽ có quy hoạch khảo cổ biển đảo

TS Lại Văn Tới (người đã tham gia khảo sát, khai quật ở Trường Sa năm 1993) cũng đồng quan điểm với TS. Bùi Văn Liêm trong tham luận gửi hội nghị: Những phát hiện khảo cổ học về dấu vết văn hóa Sa Huỳnh muộn Chăm Pa sớm, hiện vật thời Trần và Lê-Nguyễn tại các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây, Phan Vinh… thuộc quần đảo Trường Sa đã khẳng định sự có mặt rất sớm và liên tục của người Việt tại quần đảo Trường Sa.

Cũng theo TS Lại Văn Tới, với truyền thống từ cội rễ cha Rồng- mẹ Tiên đến những phát hiện khảo cổ học đã cho thấy những dấu ấn sâu đậm của môi trường văn hóa biển trong các lớp văn hoá của cư dân từ thời Tiền-Sơ sử đến lịch sử. Những tư liệu vật chất quý báu và vô cùng quan trọng này đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Biển Đông.

“Chúng tôi đang chỉnh lý hoàn thiện báo cáo để gửi các cấp có thẩm quyền. Sau đó, tất nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu khảo cổ học dưới nước ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, chúng tôi cũng đang quy hoạch khảo cổ học ở Trường Sa để bảo vệ những “bằng chững thép” về chủ quyền biển đảo ngàn đời của dân tộc.”- TS Bùi Văn Liêm trao đổi.

(Còn tiếp)

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›